BS Trương Hữu Khanh: Vì sao COVID-19 tại TP.HCM đáng lo hơn Bắc Giang?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:17, 06/06/2021

Sáng 6.6, TP.HCM ghi nhận thêm 10 ca mắc COVID-19. Như vậy sau 10 ngày, số ca mắc của thành phố này đã lên tới 355 ca nhiễm COVID-19 và ghi nhận 1 trường hợp tử vong.

Đến nay TP.HCM vẫn xác định có 3 chuỗi lây nhiễm: tại một công ty ở quận 3; tại quán bánh canh ở quận 3 và tại nhóm truyền giáo Phục Hưng. Riêng chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng có mức độ lây lan mạnh do các đặc thù sinh hoạt và điều kiện làm việc của các F0, F1, F2.

Đáng lưu ý là sự xuất hiện các chuỗi mới xuất phát từ 1 bệnh nhân trong nhóm truyền giáo Phục Hưng được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng với tỷ lệ lây nhiễm rất cao, ví dụ điển hình là công ty Thiên Phú FN.

Bên cạnh đó nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã làm cho chuỗi lây nhiễm này phát triển diện rộng theo sự di chuyển của các bệnh nhân.

bs1.jpg

Nhận định về tình hình dịch tại TP.HCM, BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết qua theo dõi tình hình dịch tại TP.HCM thì rõ ràng ở đây còn đáng lo hơn Bắc Giang. Ba lo ngại lớn nhất khiến tình hình ở TP.HCM phức tạp hơn Bắc Giang.

Thứ nhất, số ca mắc của Bắc Giang rất cao nhưng vì đã khoanh vùng và tiến hành xét nghiệm rộng, số ca phát hiện chủ yếu do khu cách ly quản lý còn số ca ở TP.HCM thì có nhiều ca xuất hiện ngoài cộng đồng, thậm chí xa khu phong toả. Nhiều người tình cờ đi khám tại các phòng khám, bệnh viện và được phát hiện dương tính, điều này mới thực sự nguy hiểm.

Thứ hai, theo BS Khanh, tại TP.HCM rõ ràng có hiện tượng có những người không tiếp xúc với ai, có những người truy 1 hồi ra F3 lại dương tính, đó là chu kỳ lây khá xa.

Thứ ba, khi truy vết xong vài ngày thì nhóm F1, F2 vẫn tiếp tục lây. Sự lây lan nhanh như vậy bác sĩ Khanh cho rằng có thể do biến chủng mới của biến chủng Delta (Ấn Độ) có tốc độ lây lan nhanh hơn trước.

Từ trước tới nay, các chủng mới bao giờ cũng lây nhanh hơn chủng cũ và chủng cũ sẽ bị chủng mới "đè" lại. Vì vậy, ông cho rằng công tác chống dịch tại TP.HCM còn khó khăn.

Thành phố lại có diện tích rộng, dù có duy trì giãn cách theo chỉ thị 15, 16 thì tình hình vẫn còn đáng lo ngại.

BS Khanh cho biết đối với người dân, việc cần làm là nên chặn nguồn lây, đừng chuyển mình thành người đưa vi rút mà cần hỗ trợ chính quyền chống dịch. Nâng cao ý thức phòng dịch cộng đồng bằng cách thực hiện nghiêm túc 5K. Hiện tại, nhiều người dù rất sợ COVID-19 nhưng khi dịch xảy ra vẫn chưa có ý thức bảo vệ cộng đồng của mình.

Nếu truy vết quyết liệt và cách ly tập trung tất cả các tiếp xúc gần thì sẽ tiếp tục phát hiện ca bệnh trong nhóm này trong thời gian sắp tới nhưng đã được cách ly tập trung, hạn chế lây lan tiếp theo trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới ở thành phố có thể xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.

Các cơ quan đơn vị cần nâng cao khả năng phòng thủ, tổ chức làm việc, sản xuất an toàn, không để vi rút có cơ hội lây lan tại đơn vị. Ngành y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị