Ưu tiên hạ cánh cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin COVID-19
Sự kiện - Ngày đăng : 11:17, 07/06/2021
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các hãng hàng không về tạo điều kiện cho những chuyến bay vận chuyển vắc xin COVID-19.
Với chính sách khuyến khích nhập khẩu vắc xin COVID-19 của Chính phủ, trong thời gian tới số lượng các chuyến bay vận chuyển vắc xin đến và quá cảnh qua Việt Nam sẽ gia tăng.
Theo đó, để cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin hiệu quả, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không khi tổ chức chuyến bay vận chuyển vắc xin COVID-19 cần ghi rõ trong đơn đề nghị xin phép bay mục đích vận chuyển vắc xin, đồng thời quán triệt tổ lái khi làm thủ tục bay, cần điền trong FPL “RML/VACCINE” để cơ sở ATS nhận dạng chuyến bay nhằm cho phép ưu tiên hạ cánh khi nhận được yêu cầu của tổ lái.
Do tính cấp thiết của việc nhận dạng và ưu tiên không lưu cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin COVID-19, Cục yêu cầu ACV bố trí cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin.
Cục yêu cầu VATM phổ biến cho các cơ sở ATS (quản lý không lưu) khai thác FPL lưu ý nội dung mục đích và tạo điều kiện cho chuyến bay vận chuyển vắc xin, cho phép thiết lập quyền ưu tiên hạ cánh cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin để rút ngắn thời gian vận chuyển đảm bảo chất lượng vắc xin.
Trong trường hợp đặc biệt, khi nhận được đề nghị của tổ lái chuyến bay vận chuyển vắc xin về việc bay tắt để rút ngắn thời gian bay đảm bảo an toàn cho chuyến bay, cơ sở điều hành bay tạo điều kiện cho chuyến bay nếu đảm bảo công tác hiệp đồng và an toàn bay.
Cùng với đó là phải thông báo tin tức hàng không phù hợp về các nội dung: người đề nghị cấp phép bay lưu ý ghi rõ trong đơn đề nghị cấp phép bay mục đích chuyến bay đặc biệt vận chuyển vắc xin COVID-19; điền thêm nội dung vào FPL “RMK/VACCINE” nếu chuyến bay vận chuyển vắc xin COVID-19 đã được cấp phép. Thời gian thực hiện từ 7 giờ ngày 3.6.2021 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, các cơ quan quản lý trên toàn thế giới cần thực hiện những biện pháp đặc biệt để đảm bảo rằng vắc xin COVID-19 được phân phối hiệu quả và an toàn nhằm hỗ trợ các nỗ lực khôi phục toàn cầu. Hiện nay, Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Tổ chức An toàn hàng không châu Âu và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế đã công bố và thực hiện các hướng dẫn, quy trình cho quá trình vận chuyển vắc xin COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết vắc xin hiện nay được nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp với chất lượng được nhà sản xuất đảm bảo. Tuy nhiên, do vắc xin được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù: Chất lượng vắc xin được nhà sản xuất đảm bảo nhưng phản ứng và hiệu quả còn cần được tiếp tục theo dõi. Thêm vào đó, có những loại vắc xin được bảo quản trong điều kiện rất ngặt nghèo, ví dụ như có loại vắc xin bảo quản nhiệt độ âm 75 độ.
Đặc biệt, do được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên vắc xin khi về Việt Nam có một số nội dung chưa kiểm định được. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng vắc xin không thực hiện theo những tiêu chí thông thường mà phải chấp nhận những vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận hoặc do một số nước châu Âu, Mỹ, Nga chứng nhận.
"Trong trường hợp này, phương pháp là chúng ta phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không qua trung gian vì khi trung gian vận chuyển vắc xin về, chúng ta không kiểm soát được quá trình bảo quản vắc xin có bảo đảm không hoặc nhà sản xuất phải ủy quyền chính thức cho công ty nào và chúng ta được kiểm tra việc ủy quyền đó, nhưng khi mua ta vẫn phải mua trực tiếp của nhà sản xuất", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh
Thông tin về tiến độ tiêm vắc xin ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết về cơ bản Việt Nam đã tiếp cận được 150 triệu liều vắc xin COVID-19. Từ tháng 8 trở đi, các nguồn vắc xin Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều.