Mỹ hứa tặng 80 triệu vắc xin COVID-19 trong tháng 7, WHO cảnh báo vắc xin bị thổi giá
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:21, 08/06/2021
Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện hôm 7.6, ông Blinken cho biết Mỹ sẽ chuyển 80 triệu liều vắc xin phân phối thông qua COVAX và cả phân phối trực tiếp cho các nước từ nay cho đến tháng 7.
Được biết, COVAX được WHO và Liên Hợp Quốc đồng sáng lập nhằm đảm bảo phân phối công bằng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp. Đến nay hơn 80 triệu liều vắc xin đã được chuyển đến 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các quốc gia giàu có cam kết chia sẻ hơn 150 triệu liều vắc xin cho các nước nghèo hơn.
"Công việc này đang được tiến hành. Chúng tôi muốn đảm bảo mọi thứ mà chúng tôi gửi đi an toàn và hiệu quả. Việc phân phối này sẽ dựa trên yếu tố khoa học, sự công bằng mà không liên quan tới lợi ích chính trị", ông nói.
Tuần trước, điều phối viên của Bộ Ngoại giao Mỹ - Gayle E. Smith đã nói với các phóng viên rằng, lô vắc xin đầu tiên gửi đi sẽ gồm 25 triệu liều. Theo ông Blinken, trong số 25 triệu liều lần này, 75% sẽ cung cấp cho các nước thông qua chương trình COVAX, 25% còn lại phân phối trực tiếp cho các nước. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa tiết lộ cụ thể thời điểm bắt đầu phân phối 55 triệu liều vắc xin còn lại.
Mỹ hiện là nước đóng góp nhiều nhất cho cơ chế COVAX với 2,5 tỉ USD và 80 triệu liều vắc xin. Liên minh châu Âu cũng đóng góp hàng tỉ USD và 100 triệu liều vắc xin COVID-19.
Tại hội nghị trực tuyến về tài trợ cho cơ chế COVAX do Nhật Bản và Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đồng tổ chức hôm 3.6, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế cùng các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp thêm 2,4 tỉ USD cho cơ chế này nhằm phân phối vắc xin cho các nước thu nhập thấp và trung bình.
WHO cảnh báo vắc xin COVID-19 bị thổi giá hoặc kém chất lượng
Theo ANI, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 8.6 , trợ lý Tổng giám đốc WHO - Mariangela Batista Galvao Simao cho biết cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã nhận được những quan ngại về các loại vắc xin do các bên trung gian bán với giá cao hơn nhiều so với giá thực tế của nhà sản xuất.
Bà Simao nói rằng các quốc gia nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo "đơn vị trung gian là hợp pháp".
“Có rất nhiều sản phẩm vắc xin COVID-19 kém chất lượng hoặc giả mạo đang được thương mại hóa trên thị trường, vì vậy các nước cần phải biết nguồn gốc xuất xứ", bà Simao nói và khuyến nghị các nước sử dụng những vắc ngừa COVID-19 đã được WHO chứng nhận.
Đến nay, WHO đã phê duyệt vắc xin COVID-19 do các hãng Sinopharm, Sinovac (Trung Quốc), AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức), Moderna và Johnson & Johnson (Mỹ) sản xuất.