Cái chết của 3 công nhân và 293 coronavirus trong, xung quanh mỏ Trung Quốc từ 2012 đến 2015

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:05, 09/06/2021

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, thúc giục Trung Quốc công bố thông tin về 6 lao động bị bệnh sau khi làm việc tại mỏ Mặc Giang ở tỉnh Vân Nam vào năm 2012 và hiện được coi là một phần quan trọng trong nỗ lực tìm ra nguồn gốc COVID-19.

Theo Reuters, các công nhân, tuổi từ 30 đến 63, cọ rửa một đường nối đồng sạch phân dơi vào tháng 4.2012. Nhiều tuần sau đó, họ được đưa vào bệnh viện ở thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, với những cơn ho dai dẳng, sốt, đau đầu, ngực và khó thở. 3 người đã chết.

Mỏ này nằm ở quận Mặc Giang, phía tây nam Trung Quốc, cách thành phố Vũ Hán khoảng 1.500 km, nơi COVID-19 (coronavirus chủng mới) được xác định lần đầu tiên.

Dù tiểu sử đầy đủ của 6 công nhân chưa được công bố, họ, tuổi và hồ sơ y tế của họ đã được công bố trong một luận án năm 2013 được viết bởi Li Xu, người theo học thạc sĩ tại Đại học Y Côn Minh.

Nghiên cứu của Li Xu, hiện vẫn còn trên kho lưu trữ tài liệu khoa học của Trung Quốc tại cnki.net, xem xét các triệu chứng từng bệnh nhân và kết luận họ là nạn nhân của một loại coronavirus "giống SARS" lây nhiễm từ dơi móng ngựa.

Các nhà khoa học quay trở lại mỏ vào cuối năm 2012 đã tìm thấy các mẫu của một mầm bệnh được gọi là "virus Mặc Giang", được tìm thấy ở chuột và không liên quan đến SARS-CoV-2. Nghiên cứu sau đó không thể xác nhận liệu nó có gây ra bệnh cho các thợ mỏ hay không.

Theo Shi Zhengli của Viện Virus học Vũ Hán (WIV), nhà nghiên cứu coronavirus ở dơi hàng đầu Trung Quốc, các triệu chứng giống như viêm phổi của công nhân là do nhiễm nấm.

Shi Zhengli và nhóm của bà cũng cho biết trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 11.2020 rằng họ đã xét nghiệm lại 13 mẫu huyết thanh của 4 bệnh nhân và không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy họ đã bị nhiễm SARS-CoV-2.

cai-chet-cua-3-nguoi-lam-o-mo-mac-giang1.jpg
Bà Shi Zhengli, người đứng đầu tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm mới tại Viện Virus học Vũ Hán

Kể từ giữa năm 2020, luận án tiến sĩ của Li Xu đã được lan truyền trực tuyến như bằng chứng cho thấy một loại coronavirus rất giống với SARS-CoV-2 có thể đã lây nhiễm sang người ngay từ năm 2012.

Một số người cũng tin rằng bài viết cung cấp bằng chứng hoàn cảnh cho những cáo buộc rộng hơn rằng Viện Virus học Vũ Hán đã bắt giữ, nghiên cứu và tiến hành các thí nghiệm "tăng chức năng" trên các loại virus được tìm thấy trong mỏ Mặc Giang, bao gồm cả RaTG13.

Được xác định lần đầu tiên vào năm 2016, RaTG13 chia sẻ 96,2% bộ gen của nó với SARS-CoV-2, theo một bài báo do Shi Zhengli và các nhà nghiên cứu khác công bố vào đầu tháng 2.2020, chỉ vài tuần sau khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên được xác định ở Vũ Hán.

Từ năm 2012 đến 2015, các nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán đã xác định có tới 293 coronavirus trong và xung quanh mỏ Mặc Giang.

Tháng 11.2020, Viện Virus học Vũ Hán đã tiết lộ sự tồn tại của 8 mẫu coronavirus "loại SARS" khác được lấy từ địa điểm này.

Trong một bản thảo vào tháng 5.2021, Shi Zhengli và các nhà nghiên cứu khác cho biết không mẫu nào trong số đó gần giống với SARS-CoV-2 hơn RaTG13. Điều quan trọng là không ai trong số 8 mẫu sở hữu miền liên kết thụ thể cho phép SARS-CoV-2 lây nhiễm sang người một cách hiệu quả.

Bài viết kết luận rằng “bằng chứng thí nghiệm không thể hỗ trợ” tuyên bố rằng SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đồng thời kêu gọi “lấy mẫu theo chiều dọc và hệ thống hơn với dơi, tê tê hoặc các động vật trung gian có thể có khác” để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Nhân Hoàng