Hạ tầng số Việt Nam sẵn sàng với thế hệ địa chỉ Internet IPv6
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:43, 09/06/2021
Trong bộ tài liệu “Giao thức internet thế hệ mới IPv6 và chuyển đổi internet sang IPv6” của Bộ TT-TT gửi Bộ GD-ĐT có nêu rõ: “Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, vượt 82% so với mục tiêu (mục tiêu là năm 2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam tương đương với mức trung bình chung toàn cầu là 22%).
Tính đến tháng 12.2020, mức độ ứng dụng IPv6 trên hoạt động internet Việt Nam hiện đạt 46%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 10 toàn cầu. Đặc biệt, thời điểm tháng 5 - tháng 6.2019, Việt Nam vượt qua Malaysia, Nhật Bản để đứng số 1 khu vực ASEAN và thứ 5 toàn cầu.
Hạ tầng số vô cùng quan trọng
Để phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia, thì hạ tầng số vô cùng quan trọng. Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), hạ tầng số Việt Nam cơ bản sẵn sàng với thế hệ địa chỉ internet IPv6. Hạ tầng mạng internet quốc gia và hạ tầng mạng doanh nghiệp đã hoạt động tốt, ổn định trên nền tảng Hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia “.vn” và Trạm trung chuyển lưu lượng internet quốc gia (VNIX), hạ tầng mạng doanh nghiệp.
Cụ thể, tính đến tháng 12.2020, Việt Nam đã có 6/7 cụm máy chủ DNS quốc gia hoạt động tốt với IPv6; 21/23 thành viên kết nối với VNIX qua IPv4/IPv6 với tổng số mạng kết nối là 48. Việt Nam đã có khoảng 11 triệu thuê bao FTTH và 34 triệu thuê bao di động, 10.650 website dưới tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” hoạt động tốt với IPv6.
Về tỷ lệ ứng dụng IPv6 của khối doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, tính đến cuối năm 2020, ở Tập đoàn Viettel chiếm 71% trong hoạt động của tập đoàn; Tập đoàn VNPT 44%; MobiFone 70%; FPT Telecom 30%.
Trên bình diện ứng dụng IPv6 chung trên toàn bộ mạng internet Việt Nam, tính đến tháng 12.2020, tỷ lệ ứng dụng triển khai IPv6 của Việt Nam đạt 46%, phần lớn là từ kết quả triển khai trên mạng lưới, dịch vụ của các doanh nghiệp lớn.
Với Chương trình IPv6 For Gov, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, thuộc Bộ TT-TT) đã hỗ trợ nhiều cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương về chuyển đổi IPv6. Cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT là cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước đầu tiên hoạt động tốt với IPv6 từ năm 2013. Tính đến tháng 12.2020, Việt Nam có thêm Bộ TN-MT và Ngân hàng nhà nước cũng đã chuyển đổi IPv6 thành công cho cổng thông tin điện tử của bộ, ngành.
10 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, TP.HCM, Đồng Nai, Hòa Bình, Bắc Kạn, Ninh Bình, Bình Thuận, Bình Phước) cũng hoàn thành chuyển đổi hoạt động IPv6 của cổng thông tin điện tử của tỉnh/thành phố và thực hiện chuyển đổi hoạt động IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ; 33 tỉnh/thành phố và 4 bộ, ngành đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6; 11 bộ, ngành và 20 tỉnh/thành phố đã đăng ký sử dụng địa chỉ internet độc lập.
Chú trọng đào tạo nhân lực về IPv6
Thông tin từ VNNIC cũng cho biết hơn 2.000 chuyên gia được đào tạo về IPv6. Trong giai đoạn 2008-2020, VNNIC đã thực hiện gần 60 khóa tập huấn, đào tạo cho hơn 2.160 học viên (trong đó có 835 học viên của 30 doanh nghiệp, 1.325 cán bộ của 86 cơ quan nhà nước thuộc 20 bộ, ngành và 56 tỉnh/thành).
Chương trình đào tạo IPv6 được tổ chức thường niên và phối hợp với các tổ chức uy tín toàn cầu như ITU, APNIC, IPv6 Forum, JPNIC/JANOG... Các chủ đề xoay quan việc quy hoạch, chuyển đổi mạng; định tuyến internet; mạng 3G/4G/5G, IoT; phát triển ứng dụng phần mềm hỗ trợ IPv6; an toàn bảo mật với IPv6…
Giai đoạn 2021-2025, công tác thúc đẩy ứng dụng IPv6 Việt Nam sẽ hướng tới nhiều mục tiêu, trong đó có tăng cường chất lượng hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ cơ quan nhà nước, phục vụ phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia thông qua Chương trình IPv6 For Gov12; tăng cường và thúc đẩy chuyển đổi IPv6 trong các dịch vụ internet như nội dung số, Cloud, IoT, 5G, AI…
Mục tiêu chung là chuyển đổi toàn bộ mạng internet Việt Nam sang IPv6 với tỷ lệ lưu lượng internet qua IPv6 đạt 70 - 80% vào năm 2025…