Chính quyền Biden bỏ các lệnh cố cấm TikTok, WeChat của Trump

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:16, 09/06/2021

Hôm 9.6, các quan chức cho biết Nhà Trắng đã bỏ các lệnh hành pháp thời Trump nhằm cấm TikTok, WeChat và sẽ tiến hành đánh giá riêng để xác định các rủi ro an ninh quốc gia với các ứng dụng nổi tiếng gắn liền với Trung Quốc.

Một lệnh hành pháp mới chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ thực hiện điều mà các quan chức mô tả là phân tích "dựa trên bằng chứng" về các giao dịch liên quan đến các ứng dụng do Trung Quốc sản xuất, cung cấp hoặc kiểm soát.

Các quan chức đặc biệt lo ngại về các ứng dụng thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng hoặc có mối liên hệ với các hoạt động tình báo và quân sự của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa ra các khuyến nghị về cách bảo vệ hơn nữa thông tin di truyền và sức khỏe cá nhân người Mỹ, đồng thời giải quyết các rủi ro của một số ứng dụng được kết nối với Trung Quốc hoặc các đối thủ khác, theo các quan chức chính quyền cấp cao.

Động thái của chính quyền Biden phản ánh mối lo ngại liên tục rằng dữ liệu cá nhân người Mỹ có thể bị lộ bởi các ứng dụng phổ biến gắn liền với Trung Quốc, đối thủ kinh tế và chính trị hàng đầu của Mỹ.

Nhà Trắng và Quốc hội đều đã hành động để đối phó với sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Hôm 8.6, Thượng viện đã thông qua một dự luật nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn Mỹ và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cùng công nghệ khác trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng.

chinh-quyen-biden-bo-len-co-cam-tiktok-wechat-cua-trump.jpeg
Chính quyền Biden bỏ lệnh cố cấm TikTok, WeChat của Trump nhưng sẽ tiến hành đánh giá riêng để xác định các rủi ro an ninh quốc gia với hai  ứng dụng Trung Quốc này

Đầu năm nay, chính quyền đã ủng hộ nỗ lực của ông Donald Trump trong việc cấm ứng dụng video nổi tiếng TikTok, yêu cầu tòa án hoãn tranh chấp pháp lý khi bắt đầu xem xét rộng hơn các mối đe dọa an ninh quốc gia do các công ty công nghệ Trung Quốc gây ra.

Một hồ sơ tòa án cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét liệu những tuyên bố từ ông Trump về mối đe dọa của TikTok với an ninh quốc gia có chính đáng cho những nỗ lực cấm nó khỏi các cửa hàng ứng dụng di động và chặn các dịch vụ kỹ thuật quan trọng hay không. Bản cập nhật cho bài đánh giá sẽ được đưa ra trong một phiên tòa vào cuối tuần này.

Trong tình trạng lấp lửng, đã có đề xuất tiếp quản TikTok của Mỹ. Năm ngoái, chính quyền Trump đã làm trung gian cho thỏa thuận mà lẽ ra hai tập đoàn Mỹ là Oracle và Walmart sẽ nắm cổ phần lớn trong ứng dụng do tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) sở hữu vì lý do an ninh quốc gia.

Thỏa thuận bất thường bắt nguồn từ một lệnh hành pháp của ông Trump nhằm cấm TikTok ở Mỹ trừ khi nó chấp nhận mức độ kiểm soát lớn hơn của công ty nước này.

Ông Trump đã nhắm mục tiêu TikTok vào mùa hè năm 2020 với một loạt lệnh hành pháp nêu lên những lo ngại về dữ liệu mà ứng dụng này thu thập từ người dùng Mỹ. Các tòa án đã tạm thời chặn lệnh cố gắng cấm TikTok của ông Trump và cuộc bầu cử tổng thống sớm làm lu mờ cuộc chiến chống ứng dụng video ngắn phổ biến này.

TikTok đã tìm đến tòa án phúc thẩm đặc khu Columbia (Washington) để đề nghị xem xét lệnh yêu cầu thoái vốn của Trump và đánh giá an ninh quốc gia từ chính phủ Mỹ.

Ngày 8.6, Thượng viện thông qua một dự luật sâu rộng nhằm tăng cường sức mạnh của Mỹ trong cuộc cạnh tranh kinh tế - địa chính trị đang leo thang với Trung Quốc.

Dự thảo Luật Cạnh tranh và Đổi mới năm 2021 được thông qua với tỷ lệ 68 phiếu ủng hộ - 32 phiếu phản đối. Phe tiến bộ, ôn hòa, bảo thủ dường như đã thống nhất quan điểm xem Trung Quốc là mối đe dọa cho sức mạnh Mỹ lẫn cho sự ổn định toàn cầu, dù giữa họ tồn tại bất đồng sâu sắc về những vấn đề chính sách khác.

Dành khoản chi tiêu gần 250 tỉ USD, dự luật đề cập đến hầu hết mọi khía cạnh của mối quan hệ song phương đầy căng thẳng: Đầu tư hàng tỉ USD đẩy mạnh sản xuất sản phẩm bán dẫn Mỹ; cấm quan chức Mỹ tham dự Olympics Bắc Kinh 2022; tuyên bố chính sách mà Trung Quốc thực thi ở Tân Cương là tội ác diệt chủng; cho phép ban hành trừng phạt mới nhắm vào quan chức Trung Quốc vì dính líu đến tấn công mạng, đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, vi phâm nhân quyền tại Tân Cương.

Dự luật cũng đề ra một số điều khoản giúp Mỹ tăng cường quan hệ với Đài Loan và với nhiều đồng minh ở Thái Bình Dương khác; ngăn chặn Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại trường đại học Mỹ, tại các tổ chức quốc tế lẫn trên không gian mạng.

Sắp tới, đến lượt Hạ viện Mỹ xây dựng nên dự luật riêng. Lưỡng viện sau đó sẽ đối chiếu 2 dự luật, tìm cách xử lý khác biệt rồi trình văn kiện cuối cùng đến Tổng thống Joe Biden để ký ban hành.

Nhân Hoàng