Việt Nam lên tiếng về thông tin yêu cầu DN nước ngoài đóng góp cho Quỹ vắc xin
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:55, 10/06/2021
Quỹ vắc xin nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tự nguyện của DN
Ngày 10.6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị khẳng định thông tin Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19".
Để thực hiện mục tiêu này, mới đây Quốc hội quyết định sử dụng khoảng 12.000 tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch COVID-19.
Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng xác định, sự đồng lòng, chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân, khả năng huy động nguồn lực xã hội là nhân tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Trên tinh thần đó, bà Hằng cho hay ngày 26.5.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP và Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho nhân dân.
Cho đến nay, theo bà Hằng, Quỹ vắc xin đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp tích cực, tự nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam, đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều và sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, bà Hằng nêu.
Đề nghị Campuchia đảm bảo quyền lợi người gốc Việt
Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc chính quyền Phnom Penh yêu cầu người dân trong đó có nhiều người Campuchia gốc Việt tiến hành di dời, giải tỏa các nhà nổi, bè nổi và công trình nổi trái phép trên khu vực sông Mê Công đi qua địa phận thành phố Phnom Penh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cho biết ngày 2.6.2021, chính quyền Thủ đô Phnom Penh đã thông báo kế hoạch di dời các công trình là nhà nổi, bè nuôi cá trên mặt sông Mekong khu vực Thủ đô Phnom Penh, trong đó có các công trình của người gốc Việt.
Việt Nam rất quan tâm đến thông tin này. Vào ngày 7.6.2021 vừa qua, tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm, giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia.
Đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia trong quá trình triển khai các chính sách, biện pháp về kinh tế - xã hội cần lưu ý có lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi và an sinh của người gốc Việt, tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu”.
Trước đó, ngày 4.6.2021, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cũng đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên bà con gốc Việt tại khu vực bị di dời. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã trao đổi với phía Campuchia, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho bà con tái định cư, đảm bảo tính nhân đạo và quyền lợi chính đáng của người dân.
Bà Hằng cho biết phía Campuchia đã ghi nhận các ý kiến của Việt Nam, khẳng định Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, doanh nghiệp việt Nam học tập, làm ăn và người gốc Việt sinh sống ổn định tại Campuchia.
“Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ cảnh quan, môi trường của Campuchia, đồng thời mong rằng việc di dời được triển khai với lộ trình hợp lý và khả thi, có bố trí khu vực tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thuộc diện di dời sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong thời gian qua, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã hỗ trợ Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia giúp nhiều hộ dân người gốc Việt chuyển đến nơi ở mới theo chủ trương của Chính phủ Campuchia. Đến nay, cuộc sống của một số bà con đã di dời bước đầu đi vào ổn định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình triển khai kế hoạch di dời của Campuchia và tình hình của cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, phối hợp với Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia kịp thời có các biện pháp thiết thực hỗ trợ bà con”, bà Hằng nêu.