Số ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh dù đã tiêm nhiều vắc xin Trung Quốc, Chile buộc phong tỏa thủ đô
Quốc tế - Ngày đăng : 11:49, 11/06/2021
Mặc dù một nửa dân số nước này đã tiêm phòng đầy đủ nhưng số ca mắc mới COVID-19 vẫn tiếp tục tăng nhanh khiến giới chức y tế nước này buộc phải phong tỏa thủ đô Santiago.
Lệnh phong toả tại thủ đô Santiago sẽ có hiệu lực từ 5h ngày 12.6 và chưa có thời hạn kết thúc. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mỗi ngày tại Chile đã tăng 17% trong hai tuần qua trên toàn quốc và 25% ở khu vực thủ đô Santiago.
Ông Jose Luis Espinoza, chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Điều dưỡng Quốc gia Chile cho biết các cơ sở thành viên của tổ chức này hiện đã hoạt động 98% công suất và đang trên bờ vực sụp đổ
Chile là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Khoảng 75% trong số 15 triệu dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và gần 58% đã được tiêm chủng đầy đủ hai liều. Chile dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người ở châu Mỹ và cao thứ năm trên toàn thế giới, theo dữ liệu của Reuters.
Cho đến nay, nước này đã sử dụng gần 23 triệu liều vắc xin trong đó là 17,2 triệu liều Sinovac, 4,6 triệu liều của vắc xin Pfizer và chưa đến 1 triệu liều của vắc xin Astrazeneca và CanSino.
Các chuyên gia y tế cho ra rằng các loại vắc xin không đạt hiệu quả 100% ngay sau khi tiêm mà phải mất một khoảng thời gian trước khi chúng đạt hiệu quả cao nhất. Điều này vẫn dễ dàng làm bùng phát làn sóng COVID-19 mới khi hiện nay đã xuất hiện nhiều biến thể dễ lây lan hơn, đặc biệt là biến chủng từ Brazil.
Bộ Y tế Chile cho biết trong số 7.716 người được xác nhận dương tính với COVID-19 trong hai ngày 9 và 10.6, 73% người bệnh chưa được tiêm chủng đầy đủ và 74% người dưới 49 tuổi.
Trong khi đó, ngày 10.6, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết những người đã được tiêm vắc xin COVID-19 tại nước này sẽ không bị bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Ông Bolsonaro vốn phản đối việc phong tỏa và giãn cách xã hội mặc dù Brazil đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 dữ dội. Ông cũng cho rằng cách ly chỉ dành cho những người đã bị nhiễm bệnh.
Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết ông Bolsonaro đã yêu cầu ông xem xét lại việc sử dụng khẩu trang tại Brazil. Tuy nhiên, ông Marcelo đã khẳng định việc sử dụng khẩu trang là điều cần thiết trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Đồng thời ông cũng phản đối Tổng thống Brazil về việc sử dụng hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét. Không có một bằng chứng nào cho thấy loại thuốc này có hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Ông Bolsonaro thì tin rằng việc sử dụng chloroquine đã giúp giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 Ở Brazil.
Hơn 480.000 người Brazil đã tử vong do COVID-19, con số này lớn thứ hai sau Mỹ. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng ở Brazil thì diễn ra chậm chạp. Thượng viện Brazil vào tháng trước đã mở một cuộc điều tra xem liệu ông Bolsonaro, vốn là một người hoài nghi tác dụng của vắc xin có đang cố tình trì hoãn việc tiêm chủng tại nước này.
Brazil hồi tháng 1 đã phê duyệt 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 là Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca của Anh để sử dụng khẩn cấp, nhưng việc triển khai vắc xin của nước này đã bị cản trở bởi sự chậm trễ và thiếu nguồn cung.
Theo số liệu của WHO, chỉ 23,6% dân số Brazil được tiêm một liều vắc xin và chỉ 10,2 % đã được tiêm đầy đủ hai liều.