Xóa tư duy 'giải cứu nông sản' ngay cả khi dịch COVID-19
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:12, 11/06/2021
Xóa tư duy giải cứu nông sản trong nước
Đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, vải thiều Bắc Giang là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trước bất ổn về tình hình dịch COVID-19, để khơi thông thị trường nông sản nói chung và quả vải thiều nói riêng, trước tiên nông sản của người nông dân phải được nâng cao giá trị. Vải thiều Bắc Giang đã thể hiện được điều đó.
Thời điểm thu hoạch vải thiều sớm tại Bắc Giang năm nay là thời điểm khó khăn nhất để tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản này. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cho các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh vừa phải gồng mình chống dịch, vừa phải căn cơ tìm các giải pháp an toàn nhất, hiệu quả nhất để bảo vệ vùng sản xuất vải thiều an toàn, sạch bệnh COVID-19.
Mặc dù chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, song vải thiều sớm của Bắc Giang vẫn được tiêu thụ với giá tương đối ổn định, dao động từ 13.000 - 30.000 đồng/kg, giá vải xuất khẩu là 55.000 đồng/kg.
Tính đến ngày 10.6, toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 73.000 tấn vải thiều. Trong đó vải chín sớm là gần 52.000 tấn (đạt trên 96% sản lượng), vải chính vụ khoảng 21.000 tấn. Vải thiều xuất khẩu tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam…
Có thể thấy, giá vải thiều nhiều lúc đã phải bán ở mức rất thấp vì đặc thù loại quả này chín là phải tiêu thụ gấp. Cũng như các loại nông sản khác, nâng cao giá trị quả vải là điều tất yếu. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng hiện nay đã có nhiều mô hình kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản một cách tự nguyện, song tất cả các mô hình liên kết đó phải được chuẩn hóa.
Cụ thể, nếu toàn bộ chuỗi cung - cầu được chủ động thì việc tiêu thụ nông sản cho người nông dân sẽ thông qua sự hợp tác, sự chung tay của toàn xã hội để cùng nâng cao giá trị sản phẩm và công sức của người nông dân. Từ đó người tiêu dùng có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn, giúp nông dân từng bước thay đổi quá trình canh tác, giữ vững hình ảnh thương hiệu nông sản.
Bộ trưởng cũng cho rằng khi giá trị nông sản được nâng tầm, sẽ xóa bỏ được tư duy "giải cứu" nông sản, ngay cả trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
Chinh phục thị trường ngoại
Ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới có thể vào được thị trường Nhật Bản và được đánh giá là loại quả có giá trị cao. Vải thiều của Việt Nam gây hiệu ứng tốt tại Nhật Bản, các công ty Nhật Bản dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều tươi Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên khoảng hơn 1.000 tấn.
Vì vậy, để thương hiệu quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Nhật Bản phát triển bền vững, ông Vũ Hồng Nam cho rằng phía Việt Nam cần phải duy trì tốt chất lượng quả vải sạch, ổn định giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà nhập khẩu. Cùng với đó là cân nhắc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải như: Vải khô, nước ép vải, kem vải… để gia tăng giá trị, hình ảnh quả vải thiều Việt Nam tại Nhật Bản.
Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành chuỗi Big C và GO thuộc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết ngoài việc bán trực tiếp trái vải, tập đoàn còn chế biến một số món ăn và thức uống được chế biến từ trái vải như: Chè vải rau câu, chè vải hạt sen, thạch rau câu vị vải, bánh flan vải, nước trái vải… để góp phần nâng cao giá trị của vải thiều, giúp cho nhiều khách hàng có thể tiếp cận được vải thiều Lục Ngạn chính gốc với giá hợp lý và nhiều sự lựa chọn từ sản phẩm vải thiều.
Tỉnh Bắc Giang cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân tham gia mở gian hàng vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, tạo ra một kênh phân phối mới, hiện đại để cung cấp đặc sản vải thiều đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”