ĐBSCL bước vào đầu mùa mưa lũ

Sự kiện - Ngày đăng : 18:00, 12/06/2021

Những cơn mưa xuất hiện khắp đồng bằng này thời gian qua và dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bắt đầu có xu thể tăng nhẹ, ổn định đã đưa ĐBSCL bước vào mùa mưa lũ 2021.

Ngày 12.6, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, lưu vực sông Mê Kông đã chính thức bước vào đầu thời kỳ mùa mưa lũ năm 2021.

Kết quả quan trắc cho thấy, dung tích nước tại Biển Hồ (Campuchia) là 1,89 tỉ mét khối, cao hơn 0,03 tỉ mét khối so với trung bình hàng năm (1,86 tỉ mét khối), cao hơn 0,87 tỉ mét khối so với năm 2020 (1,02 tỉ mét khối). Trong tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông có xu thế ổn định và tăng nhẹ.

Ngày 10.6, mực nước đo được tại Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang, vùng đầu nguồn sông Cửu Long) đạt lần lượt là 1,05 mét và 1,14 mét.

ĐBSCL thời gian qua xuất hiện mưa hầu khắp các tỉnh thành, lũy tích lượng mưa trung bình khoảng 45mm và đặc biệt tập trung lớn nhất ở vùng bán đảo Cà Mau. Dự báo trong tuần tới, mưa vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện ở miền Tây Nam bộ trên diện rộng. Lượng mưa sẽ tương đương so với tuần qua và vẫn tập trung chủ yếu ở vùng bán đảo Cà Mau và tứ giác Long Xuyên, lũy tích mưa khoảng 50mm.

dbsscl-buoc-vao-mua-mua-lu-2021.jpg
ĐBSCL bước vào thời kỳ đầu mùa mưa lũ 2021 - Ảnh: Nguyên Việt

Do đóng góp đáng kể từ lượng mưa, tình trạng xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng này đã thấp hơn tuần qua từ 1 - 4km, dao động ở các cửa sông Cửu Long 20 - 30km, 25 - 35km trên sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An); khu vực ven biển Tây mặn vào sâu khoảng 25 - 30km trên sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang).

Ngành chức năng cho biết, vùng thượng ĐBSCL bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP.Cần Thơ, nguồn nước thuận lợi, đảm bảo cho sản xuất.

Ở vùng giữa ĐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP.Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) mặn rút ra vùng cửa sông, khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi thuận lợi hơn, bà con nhân dân cần chủ động tích trữ và thau rửa hệ thống. Đồng thời tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước và bơm hút khi cần, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả... Các vùng cách biển 20 km trở lên có thể lấy nước khá thuận lợi khi độ mặn cho phép.

Tương tự, ở vùng ven biển ĐBSCL (bao gồm ven biển các tỉnh ven biển như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang), người dân chủ động các biện pháp tích trữ nước, kiểm soát chất lượng nước và tiêu nước thau rửa hệ thống... Bên cạnh đó, cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt. Kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại mặn.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, độ mặn từ sau tháng 4 đã bớt căng thẳng, việc giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng từ 28.5 vừa qua được xem là ít ảnh hưởng đến ĐBSCL do mùa mưa lũ đã bắt đầu.

Nguyên Việt