Việt Nam phê duyệt vắc xin Pfizer từng giúp Israel, Qatar, Malta dần thoát COVID-19

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:31, 12/06/2021

Ngày 12.6, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin COVID-19 của Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức), phục vụ nhu cầu cấp bách phòng chống dịch tại Việt Nam.

Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) là đơn vị đề nghị phê duyệt vắc xin Comirnaty. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký quyết định phê duyệt có điều kiện với vắc xin này ngày 12.6.

Vắc xin Comirnaty được bào chế dưới dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vắc xin mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid), Vắc xin này được sản xuất tại nhà máy Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ) và BioNTech Manufacturing GmbH (Đức).

Vắc xin Comirnaty được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Công ty TNHH Pfizer Việt Nam cung cấp cho Bộ Y tế tính đến ngày 28.5 và cam kết về tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp.

Theo Bộ Y tế, Công ty TNHH Pfizer Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vắc xin đảm bảo các điều kiện sản xuất tại cơ sở sản xuất Comirnaty nhập khẩu vào Việt Nam và đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng lô vắc xin.

Công ty này phải phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, và đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin Comirnaty trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng.

Công ty TNHH Pfizer Việt Nam cũng phối hợp với Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế trong việc kiểm định các lô Comirnaty trước khi đưa ra sử dụng.

Việc sử dụng Comirnaty phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam.

Sau AstraZeneca (Anh), Sputnik V (Nga) và Sinopharm (Trung Quốc), Comirnaty là vắc xin COVID-19 thứ tư được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp.

Israel, Qatar, Malta dần thoát COVID-19 nhờ tiêm vắc xin của Pfizer - BioNTech

Các nghiên cứu trên hàng triệu người ở Israel được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech cho thấy liều mRNA đã ngăn ngừa hơn 90% trường hợp nhiễm coronavirus không có triệu chứng.

Raina MacIntyre, nhà dịch tễ học tại Đại học New South Wales ở Sydney (Úc), cho biết điều đó rất quan trọng vì khả năng ngăn chặn nhiễm coronavirus không triệu chứng của vắc xin “là yếu tố quyết định khả năng miễn dịch cộng đồng”.

Khả năng miễn dịch cộng đồng thường đạt được khi vi rút không còn có thể tìm thấy bất kỳ vật chủ dễ bị tổn thương nào để tiếp tục lây lan.

Vì thế, loại vắc xin mà một quốc gia sử dụng có thể ảnh hưởng đến số ca bệnh hàng ngày và các quyết định của chính phủ, từ chính sách về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đến dỡ bỏ các hạn chế biên giới và phục hồi nền kinh tế. Với các cá nhân, loại vắc xin được tiêm có thể xác định bao lâu họ lấy lại các quyền tự do như trước đại dịch.

viet-nam-phe-duyet-vac-xin-pfizer.jpg
Vắc xin của Pfizer sử dụng công nghệ mRNA

Một nghiên cứu của Public Health England cho thấy vắc xin Pfizer - BioNTech có hiệu quả 88% với bệnh COVID-19 có triệu chứng từ biến thể B.1.617.2 (Ấn Độ) hai tuần sau tiêm liều thứ hai. Vắc xin này có hiệu quả đến 93% với chủng B.1.1.7 "Kent", biến thể thống trị của Anh.

Trong khi hai liều vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại bệnh COVID-19 từ biến thể Ấn Độ là 60%, so với 66% với biến thể B.1.1.7 "Kent", theo Public Health England.

Cũng nhờ tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech mà Israel, Qatar, Malta dần thoát COVID-19. Trong đó, Malta là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin COVID-19 cao hàng đầu thế giới. Hôm 24.5, Bộ trưởng Y tế Malta - Chris Fearne cho biết khoảng 70% dân số trưởng thành tại nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Xem chi tiết tại đây.

P.V