'Nhiều nước xem xét hạn chế tiêm vắc xin của AstraZeneca, dùng Pfizer và Moderna'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:15, 13/06/2021
G7 đồng ý tặng vắc xin 1 tỉ liều vắc xin COVID-19
Nhóm 7 nền kinh tế giàu có (Nhật, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada) sẽ cung cấp 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 trong năm tới và làm việc với khu vực tư nhân, G20 và các quốc gia khác để tăng mức đóng góp trong những tháng tới, theo dự thảo gần như hoàn thiện của thông cáo.
“Các cam kết kể từ lần cuối chúng ta gặp nhau vào tháng 2.2021, bao gồm cả ở Vịnh Carbis, cung cấp 1 tỉ liều trong năm tới. Chúng tôi sẽ làm việc cùng với khu vực tư nhân, G20 và các quốc gia khác để tăng mức đóng góp này trong những tháng tới", thông cáo cho biết.
Theo Reuters, dự thảo đã được hoàn thiện phần lớn bởi các nhà ngoại giao đã làm việc đến tối 12.6 để thống nhất phần lớn nội dung, dù họ cho biết các phần của dự thảo có thể thay đổi trong vài giờ tới.
Theo một nguồn tin ngoại giao, có rất ít bất đồng về thông cáo đang được soạn thảo lần cuối dù Nhật Bản đã thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc.
G7 cho biết trong dự thảo việc tài trợ vắc xin được xây dựng dựa trên xuất khẩu từ sản xuất trong nước với ít nhất 700 triệu liều được xuất khẩu hoặc sẽ được xuất khẩu trong năm nay, trong đó ít nhất 50% đã được chuyển đến các nước không thuộc G7.
G7 nói thêm rằng họ có "cam kết tiếp tục xuất khẩu với tỷ lệ đáng kể, thúc đẩy cấp phép tự nguyện và sản xuất toàn cầu phi lợi nhuận, cho đến nay đã chiếm 95% nguồn cung COVAX", thông cáo cho biết.
Cơ sở COVAX, được hỗ trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI), nhằm đảm bảo 2 tỉ liều vắc xin cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn vào cuối năm 2021.
Thông cáo cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi với tất cả các trụ cột của ACT- Accelerator (tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19) trong các phương pháp điều trị, xét nghiệm và củng cố hệ thống y tế công cộng cũng như vắc xin”.
Quan hệ đối tác ACT-Accelerator được thiết kế để đẩy nhanh quá trình thiết kế, sản xuất và phân phối vắc xin.
"Chúng tôi hỗ trợ các cuộc thảo luận liên quan đến việc gia hạn nhiệm vụ ACT- Accelerator đến năm 2022, lưu ý việc xem xét toàn diện theo kế hoạch để tối ưu hóa hiệu quả và trách nhiệm giải trình của nó", trích thông cáo.
'Nhiều nước châu Âu hạn chế tiêm vắc xin Astrazeneca, dùng Pfizer và Moderna'
Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) coi vắc xin AstraZeneca là an toàn cho mọi nhóm tuổi. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã ngừng sử dụng nó cho những người dưới một độ tuổi nhất định, thường là từ 50 đến 65, hạn chế sử dụng nó cho những người lớn tuổi, do các trường hợp đông máu hiếm gặp, chủ yếu là ở những người trẻ tuổi.
"Trong bối cảnh đại dịch, quan điểm của chúng tôi là và tỷ lệ rủi ro - lợi ích vẫn có lợi cho tất cả các nhóm tuổi", trưởng nhóm đặc nhiệm COVID-19 của EMA - Marco Cavaleri nói với tờ La Stampa.
Tuy nhiên, do số lượng ca bệnh đang giảm và có tính đến việc dân số trẻ ít tiếp xúc với các rủi ro liên quan đến COVID-19, Marco Cavaleri cho biết sẽ tốt hơn nếu sử dụng vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA cho họ, chẳng hạn như Moderna (Mỹ) và Pfizer (Mỹ) -BioNTech (Đức).
Khi được hỏi liệu các cơ quan y tế có nên tránh tiêm vắc xin AstraZeneca cho những người trên 60 tuổi hay không, Marco Cavaleri nói: "Có, và nhiều quốc gia, chẳng hạn như Pháp và Đức, đang xem xét việc tiêm vắc xin mRNA vì sự sẵn có nhiều hơn của vắc xin này".
Chính phủ Ý hôm 11.6 cho biết sẽ hạn chế việc sử dụng vắc xin AstraZeneca cho những người trên 60 tuổi, sau khi một thiếu niên được tiêm đã chết vì một dạng đông máu hiếm gặp.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu, Ý đã tạm dừng việc tiêm AstraZeneca vào tháng 3.2021 do lo ngại về các vấn đề đông máu hiếm gặp.
Ý tiếp tục tiêm vắc xin AstraZeneca vào tháng sau với khuyến nghị rằng sản phẩm "tốt nhất" được sử dụng cho những người trên 60 tuổi, sau khi EMA cho biết lợi ích của nó vượt trội hơn bất kỳ rủi ro nào.