Tỷ lệ đại biểu nữ có bước tiến vượt bậc, xếp thứ 4 châu Á
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:39, 14/06/2021
Tại phiên họp thứ 57 diễn ra vào sáng 14.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả cuộc bầu cử ĐBQH khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Báo cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đến thời điểm này, cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân và thành công rất tốt đẹp.
Diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát đợt thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp nhưng cuộc bầu cử đã được tổ chức an toàn, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với các kỳ bầu cử trước; không có các tình huống bất thường xảy ra, ngay cả tại một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng cho đến công tác hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, giới thiệu người ứng cử, việc tổ chức vận động bầu cử, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu... Kết quả bầu được 499 ĐBQH, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND các cấp đã khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định pháp luật.
“Một cuộc bầu cử với quy mô lớn như vậy được tổ chức thành công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 càng khẳng định niềm tin vững chắc của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, ông Bùi Văn Cường nói.
Theo ông Cường, có được kết quả này chính là do sự đồng tâm, hiệp lực, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, ý thức và trách nhiệm cao trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam - bài học kinh nghiệm quý báu này đã được đúc rút qua lịch sử dân tộc và tiếp tục phát huy, tỏa sáng trong ngày hội toàn dân bầu cử.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng số cử tri cả nước là 69.523.133; tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 69.243.604 (đạt 99,60%).
Trong cuộc bầu cử ngày 23.5.2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 ĐBQH khóa 15. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Nghị quyết không xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH khóa 15 đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Bình Dương vì không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Do đó, đã có 499 người trúng cử ĐBQH khóa 15 (đạt tỷ lệ 99,8%).
Về kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (cập nhật đến ngày 9.6), HĐND cấp tỉnh bầu được 3.721 đại biểu; HĐND cấp huyện bầu được 22.549 đại biểu; HĐND cấp xã bầu được 239.752 đại biểu.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường cũng cho viết cuộc bầu cử lần này còn một số hạn chế, liên quan đến việc rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri; ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định; cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã; một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu, sai sót về in phiếu bầu…
Tuy nhiên, các sai sót, khiếm khuyết nói trên chỉ mang tính cá biệt, không phổ biến và phần lớn đều đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền.
Về một số nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh cần tiếp tục chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi, sâu sắc về kết quả và những thành công, ý nghĩa của cuộc bầu cử; xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử ĐBQH.
Cũng thời gian tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ họp để xem xét, xác nhận tư cách ĐBQH đối với người trúng cử (dự kiến ngày 12.7); cấp giấy chứng nhận ĐBQH khóa 15 cho những người trúng cử.
Trên cơ sở tổng kết công tác bầu cử của Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử (dự kiến ngày 15.7)...
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị làm rõ và bổ sung thêm nội dung về hoạt động bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND.
Đồng thời, đề nghị, phân tích rõ nét về kết quả trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 2 dân tộc ít người lần đầu tiên có ứng viên trúng cử đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị làm rõ và có sự so sánh với nghị viện các nước trên thế giới về kết quả tỷ lệ đại biểu là nữ tại khóa 15.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, với kết quả bầu cử lần này, tỷ lệ đại biểu nữ đã có sự thay đổi và bước tiến vượt bậc (so sánh với thế giới, nếu trước đây chúng ta đứng thứ 71 thế giới, thứ 9 Châu Á, thì hiện nay chúng ta đứng thứ 51 thế giới và thứ 4 ở Châu Á).
Đồng thời, đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia kịp thời có hình thức khen thưởng đối với những địa phương đã thực hiện tốt mục tiêu tỷ lệ đề ra và xem xét nhắc nhở những địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, Hội đồng bầu cử quốc gia nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu; tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong đó, lưu ý đánh giá, rà soát, bổ sung làm nổi bật, tô đậm hơn nữa những kết quả “lần đầu tiên” đạt được trong quá trình tổ chức Bầu cử; có sự phân tích, so sánh với nghị viện các nước về tỷ lệ nữ đại biểu đạt được tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15; ghi nhận đóng góp của các lực lượng (y tế, công an; lực lượng cơ sở) trong tổ chức thành công cuộc bầu cử; đánh giá hiệu quả của công tác truyền thông trong tuyên truyền về bầu cử;…