Trung Quốc nói về mức độ bức xạ quanh nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn nghi bị rò rỉ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:00, 15/06/2021

Hôm 15.6, Trung Quốc cho biết mức phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông vẫn bình thường, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về sự cố rò rỉ tại một trong các lò phản ứng của nước này.

Hôm 14.6, công ty tiện ích của Pháp - EDF, một trong những chủ sở hữu của dự án, nói đang điều tra các báo cáo truyền thông rằng mức độ bất thường của khí phóng xạ đã rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn.

CNN đã đưa tin rằng Framatome, doanh nghiệp thuộc EDF chịu trách nhiệm thiết kế các lò phản ứng của Đài Sơn, đang cảnh báo về "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra" tại dự án sau khi tích tụ khí krypton và xenon.

Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo rằng nhà máy hoàn toàn tuân thủ tất cả các yêu cầu và không có dấu hiệu bất thường nào ở khu vực lân cận.

"Cho đến nay các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc vẫn duy trì thành tích hoạt động tốt, không có sự cố nào ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng", Triệu Lập Kiên nói.

EDF hôm 15.6 cho biết sự cố tại nhà máy có thể do các thanh nhiên liệu do Framatome cung cấp.

Thế nhưng, Tatsujiro Suzuki, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản, nhận xét: “Trong điều kiện hoạt động bình thường, đúng là một số loại khí như krypton và xenon sẽ thoát ra ngoài và bị phát hiện nhưng trong trường hợp này nồng độ cao hơn nhiều, vì vậy có điều gì đó đang xảy ra. Một khi khí phóng xạ bị rò rỉ ra môi trường, đó là một vấn đề nghiêm trọng. Nó có thể trở nên tồi tệ hơn. Tôi nghĩ rằng có thể có vấn đề với nhiên liệu. Điều đó là bất thường”.

trung-quoc-noi-ve-muc-do-phong-xa-quanh-nha-may-dien-hat-nhat-nghi-bi-ro-ri.jpg
Một lò phản ứng hạt nhân và các tiện ích liên quan như một phần của nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, do Công ty Điện hạt nhân Quảng Đông Trung Quốc (CGN) vận hành

Hoàn thành vào năm 2019, dự án Đài Sơn bao gồm hai lò phản ứng do Pháp thiết kế và nằm cách Hồng Kông khoảng 200 km.

Trước đó, Trưởng khu đặc chính Hồng Kông - Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói với các phóng viên rằng Đài quan sát Hồng Kồng và Cục Nguồn nước đã theo dõi mức độ phóng xạ và cho đến nay không phát hiện điều gì bất thường.

Li Ning, nhà khoa học hạt nhân Trung Quốc sống ở Mỹ, cho biết những nguy hiểm tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn đã được phóng đại.

Ông nói: “Vì các nhà máy điện hạt nhân, một khi được xây dựng và đi vào hoạt động, được kiểm soát rất chặt chẽ và các khu vực địa phương không được phát triển thêm nên mức độ bức xạ nền xung quanh chúng thường có thể thấp hơn mức trong lịch sử”.

Nhân Hoàng