Câu hỏi về vấn đề tài chính trong quá trình học tập thường là câu hỏi được đặt ra đầu tiên với các bậc phụ huynh có nguyện vọng cho con mình đi du học ở nước ngoài.
Phân loại trường:
Điểm đầu tiên cần phải lưu tâm đối với việc tính toán các chi phí phát sinh khi đi du học là học phí. Ở Đức, các trường công lập (staatliche Universität) không thu học phí. Nhà nước Đức là người chi trả cho toàn bộ việc tổ chức và vận hành của các trường công, bao gồm các Đại học Tổng hợp (Universität) và các Đại học Chuyên ngành (Fachhochschule).
Tuy vậy, ai muốn học tại các trường Tư thục (Private Hochschule) sẽ phải thanh toán một khoản học phí khá cao, bởi các trường dạng này hoàn toàn tự chủ về tài chính. Mức học phí ở những trường như vậy có thể lên tới 20.000 Euro/năm.
Khi trở thành sinh viên của một trường Công lập tại Đức, sinh viên sẽ phải đóng một khoản Lệ phí Học kì (Semesterbeitrag). Khoản lệ phí này là bắt buộc với tất cả mọi sinh viên. Mục đích đóng góp khoản lệ phí này là để chi trả cho bộ máy hành chính của trường, cho Nhà ăn Sinh viên (Mensa), cho phòng tập thể thao cũng như cho việc xây dựng và bảo trì các khu Kí túc xá Sinh viên (Studentenwohnheim). Ngoài ra, một phần khoản lệ phí này là dành cho Vé học kì (Semesterticket). Sinh viên sẽ được cấp Vé học kì sau khi đóng khoản Lệ phí học kì. Với vé này, một sinh viên có thể sử dụng tất cả các phương tiện giao thông công cộng (bao gồm xe Bus, tàu điện ngầm, tàu điện, tàu trên cao, tàu tôc hành liên khu vực RE) trong thành phố/bang mình học trong thời gian 6 tháng mà không phải chi trả thêm bất cứ khoản nào. Lệ phí Học kì sẽ giao động từ 150-280 Euro tùy từng bang.
Nước Đức mùa đông (Ảnh: Trung Thành).
Chi phí sinh hoạt:
Bên cạnh học phí và các khoản đóng góp cho nhà trường, điều mà các bậc phụ huynh cũng như các bạn sinh viên bắt buộc phải tính đến là mức chi phí sinh hoạt cho cuộc sống hàng ngày. So với nhiều nước phát triển khác, mức chi phí này ở Đức là không quá cao, tuy nhiên, so với mức thu nhập trung bình của người Việt Nam, chúng ta vẫn buộc phải cân nhắc và tính toán khoản phí này một cách khá tỉ mỉ.
Về cơ bản, mức phí sinh hoạt ở Đức bao gồm 4 phần chính sau đây: tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền bảo hiểm và tiền giành cho các công việc khác (như vui chơi giải trí, du lịch, mua sách vở tài liệu...).
Tiền thuê nhà:
Giá tiền thuê nhà ở Đức là tương đối đắt đỏ so với Việt Nam và dao động rất lớn giữa các thành phố khác nhau. Mức giá thuê nhà là rất khác biết giữa các thành phố sầm uất hay các vùng công nghiệp lớn (chẳng hạn như München, vùng Ruhr, Hamburg ... ) với mức tiền thuê nhà rất cao và các thành phố nhỏ với mật độ dân số thấp với mức tiền thuê nhà thấp hơn nhiều lần. Sinh viên học ở Đức thường có hai cách thuê nhà chủ yếu. Với cách thứ nhất, các sinh viên sẽ lựa chọn việc chia sẻ một căn hộ với nhiều thành viên khác, thường là sinh viên, nhưng cũng có thể là những bạn trẻ mới đi làm, chưa có nhiều thu nhập. Một căn hộ sống chung (
Wohngemeinschaft) như vậy thường gồm 3-5 thành viên. Giá thuê một phòng trong một căn hộ kiểu này thường dao động từ 300 đến 500 Euro, tùy theo từng thành phố/bang. Ở đây, thường có sẵn những tiện nghi cho bạn, như Internet, đồ gia dụng ..v..v..Bên cạnh hình thức nhà ở kiểu này, ở các trường đại học luôn có những khu kí túc xá sinh viên với nhiều hình thức ở khác nhau. Tại đây, bạn vừa có thể chỉ thuê một phòng và chia sẻ công trình phụ và bếp với các sinh viên khác và cũng vừa có thể thuê riêng cho mình một căn hộ khép kín cỡ nhỏ (khoảng 22 m2). Tuy nhiên, việc kiếm được một chỗ ở tốt trong kí túc xá không phải lúc nào cũng thuận lợi. Các sinh viên có nhu cầu phải đăng kí từ rất sớm và kiên nhẫn chờ đợi, có khi lên tới gần 1 năm. Giá cho thuê chỗ ở trong kí túc xá thường nằm vào khoảng từ 200 đến 400 Euro.
Quang cảnh một thành phố của Đức (Ảnh:Trung Thành).
Tiền bảo hiểm y tế:
Sinh viên học tập tại một trường đại học ở Đức bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế. Đối với những người dưới 30 tuổi, mức đóng bảo hiểm là 80 Euro. Trên 30 tuổi, mức bảo hiểm sẽ được nâng lên tới 150 Euro.
Tiền ăn và các khoản sinh hoạt phí khác phụ thuộc rất nhiều vào cách thức chi tiêu và phong cách sống của từng sinh viên. Việc ăn uống như thế nào là vô cùng quan trọng, vì nó liên quan đến sức khỏe của bạn. Bạn có thể tiết kiệm bằng cách không đi ăn quá nhiều ở ngoài, tuy nhiên, cũng không nên tiết kiệm bằng cách ăn uống quá kham khổ. Nếu ai chịu khó đi chợ và nấu ăn, mức chi phí sẽ dao động hàng tháng từ 150 đến 300 Euro, tùy vào việc người đó ăn nhiều hay ít. Bạn cũng nên chú ý, giá cả ở các siêu thị rất khác nhau. Những chuỗi siêu thị giá rẻ như Aldi, Penny hay Lidl sẽ là lựa chọn lý tưởng để cung cấp thực phẩm hàng ngày cho các sinh viên. Nhà ăn sinh viên cũng là một nơi lý tưởng để có được một bữa trưa ngon miệng, đảm bảo chất lượng với mức giá hợp lý, từ 3-5 Euro.
Các khoản chi phí phát sinh:
Trong các khoản phụ phí phát sinh khác, có lẽ tiền đi du lịch sẽ là khoản tiền tốn kém nhất mà chúng ta phải tính tới. Nếu hàng năm, bạn có nhu cầu về Việt Nam, giá vé mày bay sẽ vào tầm từ 700 đến 1000 Euro. Ngoài ra, nếu bạn có nhu cầu đi các nước khác trong khu vực EU, bạn sẽ phải để giành được tối thiểu từ 300 đến 500 Euro một năm. Sẽ có rất nhiều lựa chọn cho các hình thức du lịch mà chúng ta có thể đề cập đến ở một bài viết khác.
Việc mua sách vở và các tài liệu học tập phụ thuộc nhiều vào ngành học của bạn. Nhưng nói chung, ở Đức, bạn có thể tận dụng tối đa hệ thống thư viện vô cùng lý tưởng tại các trường đại học cũng như thư viện của thành phố. Ngoài ra, sinh viên cũng được ưu tiên hỗ trợ truy cập vào các kho tư liệu online vô cùng bổ ích, lý thú, với mức phí phải chăng, khoảng 25 Euro cho cả năm.
Sinh viên là những người có thể tham gia vào rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí miễn phí hoặc có khuyến mại đáng kể. Chẳng hạn, nhiều bảo tàng giảm giá từ 8 Euro xuống chỉ còn 4 Euro cho sinh viên. Giá vé xem phim vào khoảng 8 Euro với một bộ phim 2D sẽ được giảm cho sinh viên còn 6 Euro. Nếu bạn muốn tham gia vào các hoạt động tiệc tùng vào cuối tuần, thì các buổi tiệc sinh viên (Studentenparty) sẽ là lựa chọn lý tưởng với mức vé vào cửa 5 Euro, và nếu bạn đến sớm trước nửa đêm, thì sẽ được miễn vé vào cửa.
Tổng kết:
Tóm lại, tổng chi phí tối thiểu cho một sinh viên học ở Đức sẽ vào khoảng 650 đến 850 Euro một tháng. Ở một vài bang, như ở Bayern, điều kiện để gia hạn visa sinh viên cho bạn là bạn phải chứng minh được mình có một khoản tiền khoảng 8000-10000 Euro trong tài khoản. Đây là mức phí sinh hoạt trung bình trong một năm được các cơ quan chuyên trách ở đây tính toán và xác định ra đối với một sinh viên.
Thạc Sỹ Nguyễn Trung Thành, Berlin - Đức.