An Giang: Nông dân viết đơn tố cáo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An lừa đảo
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:51, 16/06/2021
Hàng loạt giám đốc bị khởi tố
Ngày 11.6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bách Thảo (SN 1964, ngụ P.Bình Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông Thảo nguyên là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An. Năm đồng phạm của ông đã bị bắt về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn ông Thảo đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Công an đã bắt và khám xét nơi làm việc, nơi ở của ông Ngô Văn Thu (SN 1971, ngụ TT.Long Điền, H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An; Nguyễn Thanh Hùng (SN 1960, ngụ khóm Bình Long 3, P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Minh; Trương Minh Giàu (SN 1969, ngụ khóm Bình Đức 1, P.Bình Đức, TP.Long Xuyên) - Giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu; Nguyễn Viết Tuyên (SN 1976, ngụ khóm Bình Đức 3, P.Bình Đức, TP.Long Xuyên) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang; Lưu Bá Phúc (SN 1975, ngụ P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) - Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc.
Theo kết quả điều tra, từ năm 2010-2014, ông Thảo và Thu cùng móc nối với Hùng, Giàu đã lập 100 bộ hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền hơn 601 tỉ đồng của Vietcombank chi nhánh An Giang. Trong đó có sự giúp sức của Tuyên và Phúc để xuất hóa đơn khống mua bán cá tra, thức ăn thủy sản để làm điều kiện cho những công ty này vay vốn rồi chiếm đoạt.
Ngày 30.5.2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang từng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ hành vi vi phạm của những người có liên quan để xử lý trước pháp luật.
Công ty cổ phần Việt An hoạt động ra sao?
Từ năm 2000-2004, ông Thảo thành lập Công ty TNHH Xây dựng giao thông công chánh Bách Thảo. Khi cá basa, cá tra lên ngôi, ông Thảo chuyển sang thành lập Công ty cổ phần Việt An. Từ tháng 2.2007, ông Thảo giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An. Nhiều thành viên trong gia đình ông Thảo là cổ đông lớn của công ty.
Ngày 23.11.2010, Công ty cổ phần Việt An đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng số lượng cổ phần đăng ký niêm yết là 22.500.000 cổ phần tương tương với số tiền 225 tỉ đồng. Năm 2007, công ty có vốn điều lệ 50 tỉ đồng thì đến năm 2010 vốn điều lệ tăng 225 tỉ đồng, lãi sau thuế 113 tỉ đồng, tổng tài sản lên đến 1.200 tỉ đồng. Nhưng sau đó do kinh doanh gặp khó khăn và gồng mình trả lãi ngân hàng nên công ty mang nợ.
Đến tháng 8.2012, Công ty cổ phần Việt An đã mang nợ hơn 1.200 tỉ đồng, các khoản vay ngắn hạn của công ty chiếm đến 99%. Sản xuất liên tục khó khăn, công ty nợ chồng nợ. Đầu năm 2014, nhiều vụ kiện của người dân bán cá cho rằng Công ty cổ phần Việt An không thanh toán, được gửi đến tòa.
Khoảng đầu tháng 6.2014, HĐQT Công ty cổ phần Việt An tổ chức họp miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đối với ông Thảo. Ngày 10.7.2014, ông Thảo bỏ sang Mỹ với lý do chữa bệnh. Tính đến cuối quý 2.2014, công ty này mang nợ gần 1.500 tỉ đồng.
Nước mắt người nông dân gửi đơn đến Giám đốc Công an tỉnh An Giang
Ông Cao Lương Tri (SN 1960, ngụ P.Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên) cho biết ông đã viết đơn tố cáo ông Ngô Văn Thu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lá đơn của ông Tri đã gửi đến Giám đốc Công an tỉnh An Giang. Ngoài ra, ông Tri đã làm đơn khởi kiện Công ty cổ phần Việt An có trụ sở chính nằm tại khóm Thạnh An, P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên đến TAND TP.Long Xuyên.
Ông Tri cho biết: “Từ năm 2013, ông Thu là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Việt An đã ký 4 hợp đồng mua cá tra thịt với tôi, tổng số lượng là 2.124.809 kg, tính thành tiền là hơn 48 tỉ đồng. Sau đó, công ty đã trả dần nhiều lần được hơn 21 tỉ đồng (trong khi tiền lãi phát sinh đối với số tiền trả chậm này coi như bỏ qua không tính).
Tính đến ngày 31.12.2019, Công ty cổ phần Việt An còn nợ tôi gần 27 tỉ đồng. Đây là toàn bộ số tiền thế chấp tài sản vay ngân hàng nuôi cá. Ngày 5.10.2020, ông Thu có viết giấy hẹn tôi đến tháng 4.2021 sẽ có kế hoạch trả nợ tiếp tục cho tôi, nhưng đến hẹn ông Thu im lặng và né tránh không gặp tôi.
Theo tôi biết thì hiện nay Công ty cổ phần Việt An vẫn còn hoạt động chạy gia công chế biến cá, nguồn thu gia công khá lớn nhưng công ty (người đại diện pháp luật là ông Thu) đã không dùng nguồn này để trả nợ cho nông dân mà sử dụng tiêu xài cá nhân và không ai kiểm soát được”, ông Tri bày tỏ.
Khi PV Một Thế Giới yêu cầu ông Tri nói rõ thêm về nội dung trong đơn tố cáo, ông Tri cho biết, vào tháng 4.2014, ông Thảo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An đã bỏ trốn đi Mỹ, để lại hàng ngàn tỉ đồng nợ của các ngân hàng và trên 200 tỉ đồng nợ người chăn nuôi cá đã bán cá cho công ty. Sự việc bị phát hiện thì nhiều nông dân hoảng loạn, tìm các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
“UBND tỉnh An Giang khi đó đã trấn an nông dân, yêu cầu chờ đợi kiểm kê tài sản, xử lý có trật tự nên tôi và những hộ dân tin tưởng chờ. Ngày 18.7.2018, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan chức năng gồm: TAND, Viện KSND, Công an tỉnh, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang về tình hình nợ của Công ty cổ phần Việt An với 33 hộ dân bán cá cho công ty từ năm 2013 đến nay”, ông kể.
Cũng theo ông, tại cuộc họp ông Nguyễn Văn Nưng - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã có ý kiến chỉ đạo Công ty cổ phần Việt An sớm thanh toán nợ cho nông dân. Còn công an tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan tư pháp và cơ quan liên quan đẩy nhanh việc điều tra, giám định để đưa ra xét xử vụ án vi phạm về quy định cho vay và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Đến nay, tôi mới biết toàn bộ tài sản công ty được bán để trả nợ một phần của ngân hàng, những ai “thân thiết” cũng được trả hết. Còn tôi phải gồng mình lo trả nợ lãi, giảm dần vốn vay… hy vọng thu được tiền bán cá để mong giữ lại đất đai, nhà cửa mà cả gia đình vất vả bao nhiêu năm mới tạo dựng. Qua đây, tôi mạnh dạn làm đơn tố cáo về việc ngân hàng (7 ngân hàng) cho ông Thảo dễ dàng vay gần 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, khi ông Thảo bỏ trốn, công ty xác nhận nợ lúc ông Thảo bỏ trốn là 1.800 tỉ đồng. Vì sao không ai bị khởi tố, điều tra”, ông Tri nói đã viết trong đơn tố cáo.
Cũng theo ông Tri, hiện ông chỉ biết ông Thu là người tiếp quản công ty sau khi ông Thảo bỏ trốn. Từ đó tới nay, ông Thu xử lý gần hết tài sản tiếp quản của công ty và công ty chuẩn bị bán sạch cổ phần để “thoát xác”. Chủ mới được sắp xếp lộ trình thâu tóm mua nhà xưởng giá rẻ và sở hữu cổ phần rất rẻ, coi như xóa sạch số nợ 2.000 tỉ đồng mà dư luận rúng động vào năm 2014.
“Tại sao không khởi tố ngay khi ông Thảo bỏ trốn, niêm phong tài liệu, thống kê tài sản và cấm chuyển dịch để đảm bảo xử lý tài sản và xử lý người vi phạm, nay lại cho rằng nông dân chúng tôi không có gì đảm bảo khi bán cá nên có xử lý tài sản thì cũng không được trả nợ”, ông Tri thắc mắc, viết trong đơn tố cáo.