Giải quyết các khó khăn về truy xuất nguồn gốc trong bối cảnh 4.0
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:10, 16/06/2021
Bộ KH-CN đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Theo Bộ KH-CN, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định nêu trên và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là cần thiết, nhằm triển khai thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua về sử dụng mã nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và phân công trách nhiệm quản lý chất lượng đối với các Bộ, ngành.
Quan điểm xây dựng Nghị định là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, phù hợp với quan điểm của Chính phủ trong nhiều năm trở lại đây là xây dựng Chính phủ kiến tạo. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp và mục tiêu quản lý Nhà nước; phù hợp với xu hướng phát triển, triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới hiện nay.
Thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định ASEAN…
Phù hợp với thực tiễn, bắt kịp xu hướng phát triển
Trong Dự thảo Nghị định, Bộ KH-CN có kiến nghị bổ sung Mục 8 Chương II “Quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa” và bổ sung Điều 19đ trong Mục 8.
Cụ thể, Bộ KH-CN giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về truy xuất nguồn gốc bảo đảm nâng cao năng lực kỹ thuật cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành phối hợp với Bộ KH-CN triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
Theo Bộ KH-CN, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa quy định cụ thể về hoạt động truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, tại Điều 10, Điều 12, Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định nghĩa vụ của người sản xuất, nhập khẩu, người bán hàng như sau: "Tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản hàng hóa để duy trì chất lượng; thông báo điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản hàng hóa theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp để duy trì chất lượng hàng hóa trong vận chuyển, lưu trữ, bảo quản".
Bộ KH-CN cho rằng quy định này cũng phù hợp với khái niệm về truy xuất nguồn gốc (truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh) được quy định tại TCVN 12850:2019 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Để triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như nhận thức được lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc trong tình hình kinh tế trong và ngoài nước thời gian qua, Bộ KH-CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (Đề án 100).
Theo đó, Bộ KH-CN cho biết việc bổ sung quy định “Quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay về truy xuất nguồn gốc và mang lại các hiệu quả thiết thực.
Trong đó, xác định những nhiệm vụ cần triển khai, phương án và phân công trách nhiệm Bộ, ngành, các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách bài bản, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc. Tiến hành các biện pháp cần thiết như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT, mã số mã vạch theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Quản lý các sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam (do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam) bảo đảm an toàn cho người sử dụng ở thị trường trong nước và nước ngoài. Thống nhất nguyên tắc, phương thức truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa nâng cao quản lý chất lượng, an toàn, vệ sinh sản phẩm…
Đặc biệt là phù hợp với thực tiễn quản lý, bắt kịp với xu hướng phát triển, triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới và trình độ phát triển công nghệ hiện nay trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0.