Những điểm lưu ý về hệ thống văn bằng sau đại học của Mỹ
Giáo dục - Ngày đăng : 19:12, 19/05/2015
Tiếp tục loạt bài giáo dục Hoa Kỳ, Một Thế Giới giới thiệu hệ thống văn bằng sau đại học. Các văn bằng Thạc sỹ (master’s degree), Bác sỹ (MD), Luật sư (JD), Dược sỹ (PharmD)... và các lớp chứng nhận nâng cao chuyên môn (post-baccalaureate certificate)... để thông tin cùng bạn đọc...
Bằng đại học tại các trường được công nhận ở Mỹ hay các trường đại học ngoài nước Mỹ:
Trong trường hợp sinh viên du học, văn bằng tại nước sở tại phải được dịch và công chứng có giá trị tương đương với văn bằng tại Mỹ. Có một số trường hợp bằng đại học ngoài nước Mỹ không được công nhận tại đây, đồng nghĩa với việc sinh viên không đạt yêu cầu tối thiểu để nộp đơn. Vì vấn đề này, phụ thuộc nhiều vào từng chương trình học và từng trường học, sinh viên cần trao đổi trực tiếp với nhân viên của trường.
Xin lưu ý rằng đa phần các chương trình học đều đòi hỏi sinh viên có điểm tốt nghiệp loại khá trở lên (tại Mỹ GPA>3.0). Một điều cần lưu ý nữa rằng sinh viên có thể nộp đơn học những khóa “trái” với quy trình đào tạo cử nhân của sinh viên.
Ví dụ” nếu tấm bằng đại học của sinh viên thuộc ngành quản trị kinh doanh, sinh viên vẫn có thể xin nộp đơn học chương trình thạc sỹ về kỹ sư máy tính. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sinh viên phải hoàn thành tối thiểu một số môn học liên quan đến kỹ sư máy tính để có kiến thức cơ bản. Tùy theo ngành nghề mà số môn học tối thiểu có thể thay đổi.
Trong ví dụ trên, sinh viên có thể phải học thêm tối thiểu 9 lớp học về máy tính và toán học. Trường hợp sinh viên đặt yêu cầu sơ tuyển nhưng chưa hoàn thành môn học tối thiểu, sau khi được nhận vào khóa học, trường sẽ bắt sinh viên học thêm những môn học tối thiểu này song song với những lớp học chuyên môn khác.
Điểm TOEFL
Nếu là sinh viên quốc tế, đa phần các chương trình đòi hỏi sinh viên phải có điểm TOEFL hoặc tương đương. Tuy nhiên, một số chương trình có thể miễn điểm TOEFl hoặc không đề cao giá trị của điểm TOEFL. Ví dụ như trường đại học Nam California ( University of Southern California) trong vài năm gần đây đã bớt đặt trọng tâm vào điểm TOEFL và coi trọng vào các tiêu chí khác.
Điểm GMAT/GRE/PCAT/MCAT/LSAT/DAT
Mỗi chương trình học sẽ có đòi hỏi khác nhau về loại bài kiểm tra mà sinh viên cần phải làm. Bảng phụ lục dưới đây chỉ ra cụ thể từng loại bài và ngành học tương ứng:
Bài kiểm tra | Loại hình đào tạo |
GMAT | Thạc Sỹ Quản Trịn Kinh Doanh (MBA) |
GRE | Thạc Sỹ chuyên ngành (MS, MA, non-MBA)/ Tiến sỹ |
MCAT | Y khoa |
JD | Trường luật |
PCAT | Trường dược |
DAT | Nha khoa |
Chi tiết cụ thể cho các bài kiểm tra này sinh viên có thể nghiên cứu qua mạng, ở đây chúng tôi xin nhấn mạnh một số điểm sau đây. Những bài test này được lập trình để đo lường khả năng thật sụ của sinh viên. Khi sinh viên trả lời một câu hỏi đúng, câu hỏi sau sẽ khó hơn, và khi sinh viên trả lời một câu hỏi sai, câu hỏi sau sẽ dễ hơn nhưng bù lại bạn sẽ nhận ít điểm hơn. Đa phần các loại bài test này (trừ những bài test về chuyên môn trong MCAT,DAT và PCAT) kiểm tra hai kỹ năng chính: tiếng Anh và lập luận tính toán ( English and Quantitative Reasoning).
Phần tiếng Anh thường bao gồm các phần đọc hiểu và viết, phần lập luận tính toán bao gồm các vấn đề liên quan đến số học. Lưu ý rằng phần Quantitative Reasoning kiểm tra khả năng suy luận của thí sinh chứ không phải khả năng giải toán. Bạn sẽ không gặp một câu hỏi nào liên quan đến tích phân hay đạo hàm. Mặc dù các bài thi này khó, nhưng nếu chuẩn bị kỹ thì sinh viên có thể đạt điểm cao. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi sinh viên nên coi kỳ thi này như một kỳ thi đại học thật sự vì hầu hết điểm số từ kỳ thi này sẽ quyết định bạn có được nhận vào học hay không và tùy theo thang điểm mà bạ có thể vào trường như thế nào.
Tuy nhiên, một số chương trình có thể miễn thi các bài test này, để biết thêm chi tiết cụ thể sinh viên nên vào trang web của bạn muốn vào học để tìm hiểu thêm. Để chuẩn bị cho các kỳ thi này, sinh viên có thể mua sách về để ôn thi hoặc luyện thi online, đăng ký các trung tâm ở Hà Nội và Tp.HCM… Một khóa luyện online khoảng $600 trong vòng 12 tháng, 10 triệu một khóa 3 tháng tại Việt Nam…]
Thư giới thiệu: Hầu hết tất cả các chương trình sau đại học (ngoại trừ chương trình ngắn hạn) đòi hỏi sinh vien nộp 2 hoặc 3 thư giới thiệu từ các giáo sư đại học hoặc các người quản lý trực tiếp của bạn (nếu bạn đi làm). Những lá thư này là cơ hội để nhân viên tuyển sinh hiểu thêm về tính cách, nhân phẩm cũng như mục tiêu phấn đấu của bạn. Sinh viên nên chọn người nào biết rõ mình để viết lá thư giới thiệu vi nội dung lá thư cần càng cụ thể càng tốt. Những dòng giới thiệu đại loại như “sinh viên A là một học sinh giỏi của tôi, đạt điểm cao trong kỳ thi… không “đạt chuẩn”…
Sinh viên được giới thiệu không được đọc nội dung lá thư này và người viết thường phải nộp lá thư trực tiếp cho trường học mà sinh viên có nguyện vọng vào học. Vì thế, nếu sinh viên có kế hoạch học tập sau tấm bằng cử nhân, nên tích cực giữ mối quan hệ với giảng viên đại học hoặc các “sếp” của mình. Một số người có quan điểm rằng người nổi tiếng viết thư giới thiệu sẽ tốt hơn. Điều này không hẳn đúng, một lá thư sơ sài từ một giáo sư nổi tiếng không bằng một lá thư cụ thể của một giáo sư không mấy nổi tiếng. Lưu ý rằng, giáo sư tại Mỹ viết khoảng 10-100 lá thư giới thiệu mỗi niên học, cho nên các bạn phải thật sự tạo ấn tượng riêng của mình để các vị này co thể nhớ bạn là ai, làm gì và khả năng tới đâu.
Thư giới thiệu bản thân: Mỗi sinh viên khi nộp đơn cần nộp thêm một hoặc hai bài luận về bản thân. Thông thường bài luận thứ nhất là giới thiệu về bản thân, quá trình học tập hoặc quá trình đi làm của sinh viên. Bài luận hứ hai nêu lý do tại sao sinh viên muốn theo học chương trình mà sinh viên đang nộp đơn. Chi tiết cụ thể là yếu tố quan trọng và sẽ là yếu tố chính để phân hóa sinh viên.
Những lỗi giới thiệu chung chung như “tôi muốn làm bác sỹ để giúp đỡ người nghèo” mặc dù nghe rất hay nhưng không cho thấy được lý do hoặc hoàn cảnh nào thúc đẩy sinh viên tiếp tục con đường học tập của mình. Đây là phần sinh viên có thể nêu lên những chi tiết mà điểm số không thể phản ánh. Ví dụ như sinh viên cần phải đi làm để có tiền đi học, tham gia công tác xã hội, làm một dự án kinh doanh… Nếu là sinh viên nước ngoài, các bạn nên nhờ người bản địa hoặc thầy giáo Anh văn đọc lá thư của bạn trước khi nộp.
Đây chỉ là những điều căn bản cho việc chuẩn bị du học sau đại học tại Hoa Kỳ, nếu các bạn cần tư vấn thêm xin liên hệ tuvanduhoc@motthegioi.vn
Chúc các bạn du học thành công!
Kỳ tới: các chương trình tiến sỹ (PHD) của Hoa Kỳ
Đôi nét về tác giả:
Kenneth NguyenKenneth Nguyen hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ năm 2 chuyên ngành Tâm lý học định lượng (quantitative Psychology) tại trường đại học Nam California (University of Southern California). Kenneth tốt nghiệp trường cao đẳng cộng đồng Santa Ana (Santa Ana College) và học đại học California tại Irvine ( University of California, Irvine) năm 2013.