Thở giữa rừng người: Tiếng gọi mời thiết tha về với thiên nhiên
Văn hóa - Ngày đăng : 09:06, 17/06/2021
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương là gương mặt trẻ nổi bật với những động tích cực hướng đến các vấn đề thiên nhiên môi trường, và tâm huyết với lối sống xanh trong những năm gần đây. Năm 2020 Nguyễn Hữu Quỳnh Hương đã gây sốc cộng đồng khi ra mắt tác phẩm Sống xanh rồi mới sống nhanh cuốn sách đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ hướng đến lối sống xanh, bảo vệ thiên nhiên môi trường.
Vẫn trung thành với lối sống xanh mà mình đã chọn, tháng 6.2021, dưới bút danh Mình là Hũ, Quỳnh Hương tiếp tục truyền đi những thông điệp về thiên nhiên môi trường qua tác phẩm Thở giữa rừng người – cuốn sách được cô viết từ những trải nghiệm thực tế trong quá trình tương tác với gia đình, bạn bè, với chính mình và trên hết là từ tình yêu thiên nhiên vô bờ bến.
Thở giữa rừng người (ký bút danh Mình là Hũ) là tập sách đề cập đến vấn đề hiện sinh mà chính tác giả vừa ưu tư, vừa đau đáu và tâm đắc nhất. Mỗi trang ghi chép của cô như một sự kết nối nhẹ nhàng giữa con người và thiên nhiên môi trường – hai mối quan hệ công sinh không thể tách rời nhau.
Giọng văn chan chứa yêu thương dịu ngọt của người viết như mời gọi con người quay về với môi trường thiên nhiên, với những chất liệu làm nên sự sống trên hành tinh của chúng ta như ánh sáng mặt trời, nước, không khí, đất, hạt giống…Những thứ căn bản đó đã cho người đọc không khỏi ưu tư, trăn trở. Ở đó mặt trời sẽ nhắc nhỡ người trẻ cố gắng thoát ra khỏi những vùng tối để hướng về chân -thiện – mỹ. Nước để soi lại chính mình và kết nối những yêu thương. Không khí sẽ mang đến cho cuộc sống những làn gió lành. Hạt giống là biểu tượng nuôi dưỡng từ mẹ thiên nhiên, hạt giống tốt sẽ ươm mầm cho những điều tử tế…
Nhận xét về tập ghi chép Thở giữa rừng người của Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, tác giả của nhiều tập sách về thiên nhiên, người dẫn chương trình nổi tiếng Lê Đỗ Quỳnh Hương viết:
“Văn phong của Hũ luôn phảng phất sự hồn nhiên, trong trẻo đồng thời có thêm một số chất liệu quý. Đó là sự dấn thân, bảo vệ những điều mà người viết biết yêu và trân trọng. Như từng hơi thở, như ăn vào máu thịt, như sự sống hòa quyện với thiên nhiên. Cái hiếm đáng quý ở Hũ – Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, chính là sự nồng hậu, tràn đầy yêu thương và bao dung. Phải, đó là sự bao dung, khi đối diện với môi trường tự nhiên ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng, một môi trường sống ngày càng có nguy cơ bị lệch trục cân bằng, chỉ có lòng thương và bao dung chân thành, như thể thương nhau trong cùng một gia đình, mới có lối tâm tình, khuyên nhủ thủ thỉ, đầy tính xây dựng và “bày lối cho đi”, nhẹ nhàng và lan tỏa. Như một đứa em, đứa con nhìn thấy những điều còn đáng suy tư trăn trở từ những anh chị em, hay người lớn trong nhà, mà kiên nhẫn bày, chỉ, hướng dẫn, nhẹ nhàng như vậy…”
Thở giữa rừng người cũng giúp cho người trẻ nhận ra, trong mối tương tác giữa các đối tượng trên cuộc đời này, chúng ta thường tập trung vào câu hỏi: Tôi làm được gì cho đối phương? Đối phương sẽ làm gì cho tôi? Nhưng có những bất lực không lời đến từ việc chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào người khác, song không được đáp lại. Có những ám ảnh cố hữu đến từ việc ta mong muốn cho đi, mà bên trong đã trống rỗng từ bao giờ. Có những tương tác rạn nứt, vụn vỡ vì thiếu đối thoại với nhau và với chính mình.
Chia sẻ về cảm hứng để hoàn thành tập sách Thở giữa rừng người tác giả Minh là Hũ nói: “Thiên nhiên đã làm gì cho tôi? Một cái cây đã làm gì cho tôi? Thật ra, cái cây không làm gì cho tôi cả. Điều duy nhất cái cây làm là sống đời của chính nó. Một cái cây sống xanh tốt tự khắc trở thành phước lành cho hệ sinh thái và cả những con người như tôi. Nếu ví mỗi chúng ta là một cái cây thì sứ mệnh đơn giản nhất chính là thở đều, giữ mình nguyên lành giữa rừng người chật chội.”
Trong chừng mực nào đó, những điều Hũ viết trong sách không phải là những điều gì đó qua lớn lao hoặc khám phá mới mẽ. Thế nhưng chính từ những câu chuyện nhỏ bé và giản dị đó lại gợi mở và nhắc nhớ những thứ mà con người đã cố tình quên đi, cố tình bỏ qua những thứ giúp ta tồn tại trong cuộc sống này.
Thở giữa rừng người với những câu chuyện chân chất như đất, nhẹ nhàng như không khí, ấm áp như mặt trời, chảy trôi như nước, và đầy yếu tố tích cực, hướng thiện như những hạt mầm xanh. Cuốn sách như một lời tâm sự dịu dàng,mang đến những cảm nghiệm trên hành trình biết ơn những điều bình thường nhưng vô cùng kỳ diệu mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho chúng ta mỗi ngày.
Hương thuộc thế hệ của hội nhập và dám “bơi”, không e dè, không rụt rè. Tốt nghiệp ĐH, em không như số đông mang bằng cấp vào công cuộc định vị bản thân bằng việc kiếm mỗi tháng bao nhiêu. Em nhẹ nhàng với sống xanh, trở thành blogger về sống xanh và phát triển bản thân, giáo viên lan toả lối sống xanh cho học sinh...
Văn Thành Lê (nhà văn)Tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh Hương quê ở Bà Rịa –-Vũng Tàu, từng đoạt giải nhì học sinh giỏi văn toàn quốc. Hương tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM. Yêu thích viết lách, Quỳnh Hương từng cộng tác với Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, là cộng tác viên của Báo Thanh Niên... Cô có nhiều bài viết về chủ đề sống xanh, bảo vệ môi trường trên các trang blog cá nhân.