Nghị định 52: "Liều thuốc" qúy hồi sức DN, chống chọi COVID-19

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:20, 17/06/2021

Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ được xem là “liều thuốc” quý giúp DN “hồi sức’ trong bối cảnh bị “đuối sức” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giãn thuế giúp DN hồi sức

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định là 115.000 tỉ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.

toa-dam.jpg
Tọa đàm “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất - Ảnh chụp màn hình

Tại tọa đàm “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất" diễn ra ngày 17.6, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng Nghị định 52 đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đòi hỏi, trong bối cảnh các DN đang gặp khó khăn do COVID-19.

“Nếu con số 115 nghìn tỉ đồng đạt được thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, tác động đến niềm tin của cộng động. Nghị định ra đời cũng thể hiện trách nhiêm, vai trò của Chính phủ khi ứng phó với khó khăn, tạo nên niềm tin của người kinh doanh đối với cơ quan lãnh đạo", ông Nam nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết Nghị định này có điểm mới là không có thông tư, có thời hiệu thi hành ngay từ khi ban hành nghị định.

Bên cạnh đó, chỉ cần 1 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế áp dụng được nhiều mục đích: áp dụng cho nhiều loại thuế và khoản thu khác nhau và cho nhiều kỳ. Nếu người nộp thuế có hoạt động kinh doanh ở nhiều địa bàn khác nhau thì ngành thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin giữa các địa bàn mà người nộp thuế không phải nộp giấy ở nhiều cơ quan khác nhau.

Theo bà Hà, Nghị định này là một trong những biện pháp cụ thể mà Chính phủ đã hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn do COVID-19. Dự kiến số tiền cộng đồng DN được hưởng lợi là 115 nghìn tỉ đồng. Do đó, việc huy động tiền vào ngân sách sẽ bị hụt đi. Ngân sách các cấp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung này, tất cả cùng chia sẻ gánh nặng, cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ để người nộp thuế vượt qua khó khăn thì việc chia sẻ này là cần thiết.

toa-dam-2.png
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng cục Thuế phát biểu

“Thời điểm cuối cùng trong năm mà người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách là trước ngày 31.12.2021. Do đó, về tổng thể thì hết năm 2021, tổng số dự toán ngân sách không bị ảnh hưởng, nhưng ở trong các kỳ trong năm thì có sự ảnh hưởng nhất định đối với ngân sách nhà nước các cấp”, bà Hà nói.

DN băn khoăn nhiều nội dung

Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đối với Nghị định 52, DN cũng lo lắng trong thời gian hiện nay họ cần tiền để trang trải, cầm cự nhưng sau thời hạn giãn nộp thuế thì họ lại phải nộp một số tiền lớn, bị cộng dồn, càng thêm gánh nặng. Khó khăn có thể lại chồng chất hơn. Giả sử dịch bệnh vẫn tiếp tục thì DN sẽ tăng thêm rất nhiều lần.

Theo Nghị định này, tạm hoãn 4 chính sách là thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình, tiền thuê đất.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, với tiền thuê đất, nhiều DN đã chọn trả tiền thuê đất 1 lần hoặc theo hàng năm, thì đối tượng được thụ hưởng chính sách này cũng giảm đi. Với thuế VAT, chỉ khi giao dịch thương mại mới phát sinh thuế VAT, vậy kinh doanh bị đình trệ thì nhiều doanh nghiệp cũng không phát sinh thuế như vậy.

Ông Hiếu cũng cho hay DN lo ngại nhất là khi họ thực hiện thủ tục hành chính, nguyên tắc là DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, đối tượng, thế nhưng cơ quan thuế có một thủ tục mà theo ông Hiếu không thật sự rõ là sự chấp nhận đề nghị gia hạn.

toa-dam-4.png
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Giả sử sau này, DN có bị sai về đối tượng, về thuế, họ lo bị thanh tra, bị truy thu thuế. Nếu họ nộp đề nghị thì ý nghĩa pháp lý của đề nghị đó thế nào? Nhiều DN rất ngần ngại, họ lo việc có sai sót trong thủ tục thì lại bị xử phạt. DN cần một thông tin rõ ràng để xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.

Phản hồi điều này, bà Hà cho biết những quan ngại đó cơ quan thuế đã được nghe ý kiến của DN. Về khả năng dồn cục ở cuối năm, bà Hà nêu rằng Nhà nước hỗ trợ DN vượt khó ở thời điểm này và qua khó khăn thì không được quên nghĩa vụ thuế, các DN cần phải lường trước điều này.

Cùng với đó, DN phải có sự chuẩn bị kế hoạch thanh toán. Ví dụ, thuế VAT của tháng 3 sẽ được gia hạn 5 tháng thì tháng 9 phải nộp, tháng 4 thì tháng 10... chứ không phải nộp tất cả ở tháng 12.

Đối với tiền thuê đất, tiền thuê đất hàng năm mà người nộp thuế phải nộp đợt 1 là 31.5 thì nghị định này thiết kế được gia hạn 6 tháng, nghĩa là cuối tháng 11 mới phải nộp. DN sẽ được giảm tải nội dung thanh toán để người nộp thuế chủ động hơn về câu chuyện dòng tiền.

toa-dam-3.png
Các chuyên gia giải đáp khúc mắc

Về tính pháp lý của giấy đề nghị gia hạn khi người nộp thuế nộp vào cơ quan thuế, nguyên tắc là DN tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, có thuộc đối tượng nhà nước gia hạn không… Nghị định này cũng có danh mục những ngành hàng mà người nộp thuế sẽ tự soi vào để biết họ có thuộc đối tượng được gia hạn hay không.

Cần lắng nghe và để DN được phản biện, tranh luận

Theo ông Tô Hoài Nam, chính sách hỗ trợ thì phải khác với chính sách thuế chung khác. Chính sách thuế thì phải đảm bảo tính trung lập, còn chính sách hỗ trợ thì phải quan tâm đến đối tượng hỗ trợ, sao cho họ được thụ hưởng nhiều nhất. Do đó, trong nghiên cứu chính sách phải rất đề cao yếu tố phù hợp.

“Chúng tôi đề nghị nên áp dụng chính sách có tính chất đột phá, lâu dài, Chính phủ cần nghiên cứu trình Quốc hội để nhóm DN nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2-3% doanh thu/năm đối với những DN có doanh thu khoảng 3 tỉ/năm; miễn giảm, bãi bỏ một số thủ tục mở sổ sách kế toán. Về Nghị định 52, cần kéo dài thời gian kê khai thêm 6 tháng để phát huy ý nghĩa”, ông Nam nói.

toa-dam-5.png
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNVVN

Trả lời ông Nam, bà Hà cho biết hệ thống DNNVV có sự khác biệt với DN lớn. Về đề xuất nộp thuế 2-3% doanh thu, cơ quan thuế cũng tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành 3 chế độ kế toán khác nhau cho các DN lớn, DNNVV và DN siêu nhỏ. Ngành thuế cũng tiến tới việc xác định nghĩa vụ của người nộp thuế trên doanh thu thay vì xác định đầu vào, chi phí…

Theo bà Hà, những năm gần đây, ngành thuế triển khai thủ tục hành chính thuế theo phương thức điện tử rất mạnh mẽ, nhưng chủ yếu là với đối tượng DN, còn với cá nhân, hộ gia đình thì mức độ hạn chế hơn. Ngành thuế cũng đã thông luồng với Cổng dịch vụ công quốc gia, biên soạn tài liệu và hướng dẫn rất chi tiết thủ tục. Người nộp thuế cần thay đổi thói quen, phương thức thực hiện các thủ tục về thuế.

Ông Nam cho rằng khi xây dựng chính sách cần quan tâm đến tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, cần thiết phải tranh luận đến cùng về các vấn đề. Có chính sách đưa ra phù hợp với cơ quan quản lý nhưng không phù hợp với DN thì cần phải có thảo luận, tranh luận tới cùng thì chính sách sẽ đáp ứng được nhiều đối tượng.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng nếu chính sách tốt mà không được triển khai tốt thì mục tiêu chính sách không được như ý. DN phải suy nghĩ kỹ lưỡng về khoản thuế nào định giãn và giãn bao lâu. Hiệp hội DN cũng nên hỗ trợ DN về vấn đề này. Cơ quan thuế cũng cần hỗ trợ chuyên môn cho DN để giảm thiểu các rủi ro pháp lý.

“Biện pháp giãn này mới chỉ chia sẻ khó khăn ở một giai đoạn nhất định, liệu có thể tính toán miễn hẳn một số khoản thuế cho doanh nghiệp, ví dụ thuế VAT đối với các thiết bị chống dịch chẳng hạn. Điều này sẽ giảm được rất nhiều gánh nặng cho DN”, ông Hiếu nêu.

Đồng tình với điều này, bà Hà cũng cho rằng cơ quan quản lý cũng cần phải lắng nghe, chấp nhận phản biện, nhìn thẳng vào thực tiễn. Nhiều nội dung đã làm tốt rồi nhưng không nên dừng ở đấy mà có thể làm thế nào để tốt hơn.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Lam Thanh