Biến thể Delta càn quét thủ đô có thể gây đợt dịch thứ 3, Nga đổ lỗi dân do dự tiêm vắc xin

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:31, 18/06/2021

Hôm 18.6, Nga đổ lỗi cho sự gia tăng số ca COVID-19 vì người dân do dự tiêm vắc xin và “chủ nghĩa hư vô” sau khi ghi nhận kỷ lục 9.056 bệnh nhân mới ở Moscow, chủ yếu là với biến thể Delta mới, làm dấy lên lo ngại về đợt dịch thứ ba.

Thị trưởng Moscow - Sergei Sobyanin đã mở rộng các hạn chế mà ông đã áp đặt trong tháng này, bao gồm lệnh cấm các sự kiện có hơn 1.000 người, đóng cửa các nhà hàng lúc 23 giờ đêm và đóng cửa các khu vực dành cho người hâm mộ được thiết lập cho giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2020).

Đầu tuần này, ông Sergei Sobyanin nói rằng tình hình ở thủ đô Nga, nơi sinh sống của 13 triệu người, đang xấu đi nhanh chóng.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Sergei Sobyanin cho biết trên truyền hình nhà nước: “Theo dữ liệu mới nhất, 89,3% người ở Moscow gần đây được chẩn đoán mắc COVID-19 có đột biến, được gọi là Delta hoặc biến thể Ấn Độ”.

Moscow chiếm hơn một nửa trong số 17.262 ca mới trong ngày được báo cáo trên toàn nước Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đang theo dõi tình hình chặt chẽ.

Khi được yêu cầu giải thích về sự gia tăng này, Dmitry Peskov đã đổ lỗi cho "bản chất xảo quyệt" của COVID-19, liên quan đến các biến thể của nó, cũng như "chủ nghĩa hư vô hoàn toàn và mức độ tiêm chủng thấp".

Tại một cuộc họp giao ban, ông Dmitry Peskov đã bác bỏ những thông tin rằng người Nga ngại tiêm chủng vì không tin tưởng vào các nhà chức trách.

Tính đến ngày 2.6, lần kiểm đếm gần đây nhất, chỉ có 18 triệu người Nga được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, chiếm 1/8 dân số, ít hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây.

Người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga - Ella Pamfilova nói cuộc bỏ phiếu trong bầu cử Quốc hội mùa thu năm nay sẽ được kéo dài trong 3 ngày từ 17 đến 19.9 thay vì một ngày do đại dịch, hãng thông tấn Interfax đưa tin.

bien-the-delta-can-quet-thu-do-nga-do-loi-vi-dan-do-du-tiem-vac-xin.jpg
Chuyên gia đeo thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) phun chất khử trùng ở Ga xe lửa Rizhsky, một trong những biện pháp để hạn chế sự lây lan COVID-19, tại Moscow ngày 17.6

Chính quyền Moscow trong tuần này cho biết bất kỳ ai làm việc trong vai trò đối mặt với công chúng đều phải tiêm vắc xin và hôm 18.6 tuyên bố bất kỳ ai chưa tiêm phòng sẽ bị từ chối điều trị tại khoa cấp cứu của bệnh viện.

Sergei Sobyanin nói bây giờ thậm chí còn rất quan trọng để bắt đầu sử dụng thêm các thuốc tăng cường - thực tế là liều vắc xin thứ ba. Sergei Sobyanin cho biết bản thân ông vừa được tiêm bổ sung sau khi đã tiêm đầy đủ hai liều vắc xin trước đó.

Ông Sergei Sobyanin nói các liều thứ ba đang được cung cấp là tiêm nhắc lại vắc xin Sputnik V với hai mũi.

Một số quan chức Nga và các thành viên của giới thượng lưu kinh doanh, cũng như một số thành viên của công chúng, đã tiêm Sputnik V liều thứ ba và thứ tư, Reuters đưa tin vào tháng 4.

Câu hỏi về việc một loại vắc xin có khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 trong bao lâu sẽ trở nên quan trọng khi các quốc gia đánh giá thời điểm hoặc liệu có cần phải tái cấp phép hay không và những phát hiện của Nga sẽ được theo dõi chặt chẽ.

“Biến thể Delta COVID đang thống trị toàn cầu”

Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta đang trở thành biến thể thống trị toàn cầu của căn bệnh COVID-19.

Soumya Swaminathan cũng thất vọng về sự thất bại của ứng cử viên vắc xin CureVac trong thử nghiệm để đáp ứng tiêu chuẩn hiệu quả của WHO, đặc biệt là khi các biến thể có khả năng lây truyền cao thúc đẩy nhu cầu về các mũi tiêm mới, hiệu quả.

Anh đã báo cáo sự gia tăng mạnh về các ca nhiễm biến thể Delta, trong khi quan chức y tế công cộng hàng đầu của Đức dự đoán nó sẽ nhanh chóng trở thành biến thể thống trị ở nước này dù tỷ lệ tiêm chủng tăng.

Soumya Swaminathan phát biểu trong cuộc họp báo: “Biến thể Delta đang trên đường trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu vì khả năng truyền tải tăng lên”.

Các biến thể coronavirus mới được CureVac trích dẫn khi công ty Đức trong tuần này báo cáo loại vắc xin của họ chỉ chứng minh được hiệu quả phòng bệnh là 47%, không đạt được tiêu chuẩn 50% của WHO.

Công ty cho biết đã ghi nhận ít nhất 13 biến thể lưu hành trong quần thể nghiên cứu của mình.

Cho rằng các loại vắc xin mRNA như Pfizer - BioNTech và Moderna đã công bố tỷ lệ hiệu quả cao nhất 90%, Soumya Swaminathan nói thế giới mong đợi nhiều hơn từ ứng cử viên của CureVac (cũng dùng công nghệ mRNA).

Chỉ vì là một loại vắc xin mRNA khác, chúng tôi không thể cho rằng tất cả các vắc xin mRNA đều giống nhau, vì mỗi loại có một công nghệ hơi khác nhau”, Soumya Swaminathan cho biết, đồng thời nói thêm sự thất bại bất ngờ nhấn mạnh giá trị của các thử nghiệm lâm sàng mạnh mẽ để kiểm tra các sản phẩm mới.

Các quan chức WHO cho biết châu Phi vẫn là một khu vực đáng lo ngại, dù nó chỉ chiếm khoảng 5% số ca mắc COVID-19 mới toàn cầu và 2% số người tử vong.

Người đứng đầu chương trình các trường hợp khẩn cấp của WHO - Mike Ryan nói số ca mắc COVID-19 mới ở Namibia, Sierra Leone, Liberia và Rwanda đã tăng gấp đôi vào tuần trước, trong khi việc tiếp cận vắc xin vẫn còn rất ít.

"Đó là một quỹ đạo rất, rất đáng quan tâm. Thực tế phũ phàng là trong thời đại có nhiều biến thể, với khả năng lây truyền ngày càng tăng, chúng ta đã để lại những vùng dân cư rộng lớn, dân số dễ bị tổn thương của châu Phi, không được bảo vệ bằng vắc xin", Mike Ryan nói.

Nhân Hoàng