Từ tấm gương của tiền nhân, nghĩ về bài học trong công tác nhân sự

Góc bình luận - Ngày đăng : 13:27, 19/06/2021

Cách mạng tháng Tám thành công, chính Hồ Chủ tịch đã tự tay viết “Chiếu cầu người hiền tài” kêu gọi mọi người, các địa phương tiến cử người hiền tài cho Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thu hồi quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh này đối với bà Trần Huyền Trang. Đó là thông tin được đại diện Bộ Nội vụ cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ chiều 18.6. Đây là một bài học trong công tác cán bộ không chỉ cho riêng Vĩnh Phúc mà sẽ là bài học chung cho các địa phương trên cả nước trong việc bổ nhiệm cán bộ.

thu-hoi.jpg
Bà Trần Huyền Trang (phải) tại một cuộc làm việc vào tháng 7.2020 - Ảnh: Internet

Ngày 1.3.2021, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trả lời báo chí việc bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang đã “thực hiện quy trình cán bộ 5 bước theo đúng quy định một cách dân chủ, khách quan, công khai, đúng quy định” (báo Người lao động online ngày 1.3.2021).

Ngày 22.3.2021, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã ra thông báo về kỳ họp thứ 2, trong đó đề cập công tác nhân sự tại tỉnh Vĩnh Phúc và khẳng định: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý”. Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng “yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan” (VOV ngày 22.3.2021).

Như vậy là chỉ 21 ngày sau khi Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trả lời việc bổ nhiệm là “đúng quy trình” thì Ủy ban Kiểm tra trung ương khẳng định “sai quy trình”! Và nay, quyết định bổ nhiệm đã chính thức bị thu hồi.

Xung quanh trường hợp bổ nhiệm này, rõ ràng việc một cán bộ trẻ và được đào tạo bài bản như bà Trần Huyền Trang được bổ nhiệm phó giám đốc một sở là điều đáng mừng. Song một trong những điều mà dư luận băn khoăn, lên tiếng ở chỗ bà Trần Huyền Trang là con gái đương kim Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã viện dẫn rất nhiều văn bản của Đảng để cho rằng việc bổ nhiệm này không sai.

Thế nhưng, có một điều chắc chắn là các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước sẽ không thể đi sâu vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội và thực tiễn phong phú, nhất là trong công tác cán bộ có “muôn hình muôn vẻ” vì liên quan trực tiếp tới đối tượng là con người. Thế nhưng, rõ ràng có những nội dung không vướng bất cứ quy định nào chưa hẳn đã phù hợp với thực tiễn. Một trong những yêu cầu hiện nay của Đảng là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phải được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Vậy nên, bất cứ một nội dung nào của các cơ quan đảng và nhà nước mà bị xã hội, công luận không đồng tình, thậm chí phản ứng đến mức gay gắt thì các cơ quan có trách nhiệm cần phải xem xét lại. Trong câu chuyện này, cho dù không vướng các quy định của Đảng và Nhà nước - như giải thích của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - nhưng trước dư luận không đồng tình và phản ứng gay gắt thì cũng đáng để các cơ quan có trách nhiệm phải tự xem xét lại chứ không cần đợi đến khi Ủy ban Kiểm tra trung ương, Bộ Nội vụ vào cuộc và có kết luận.

Chuyện “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, thứ 3 tiền tệ, thứ tư trí tuệ và thứ năm… mặc kệ” là câu chuyện đã râm ran lâu nay. Trong một bài viết nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng tám, Chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang  đã từng đau lòng trăn trở: “Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ”. Những lãnh đạo mới của đất nước đã và đang có những tuyên ngôn mạnh mẽ về liêm chính, kiến tạo, phục vụ.

Đặc biệt, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2016, sau khi vừa được Quốc hội khóa 14 bầu làm Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc khi ấy đã lưu ý 9 vấn đề đặc biệt quan tâm, trong đó có vấn đề về công tác cán bộ với yêu cầu rất mạnh mẽ: “Chúng ta tìm người tài chứ không tìm người nhà”.

Trong những năm gần đây, nhất là từ sau Đại hội lần thứ 12, Đảng đã ban hành rất nhiều các nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ với những quy trình ngày càng thống nhất, chặt chẽ hơn. Thế nhưng, rõ ràng vẫn có những người đứng đầu đã tìm cách “lách qua khe cửa hẹp” để thao túng công tác cán bộ nhằm đưa người thân vào các vị trí lãnh đạo khi bản thân người được đề bạt chưa thật sự hội đủ các yếu tố, tiêu chuẩn cần thiết.

Trong lịch sử Việt Nam đã có rất nhiều câu chuyện về việc lựa chọn người tài để gánh vác việc nước đáng cho chúng ta hôm nay học tập. Sử xưa chép rằng trước khi Tô Hiến Thành mất, Thái hậu nhà Lý có hỏi ông về người sẽ gánh vác trọng trách thay ông. Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá - một người có thực tài và tận tâm vì nước. Bà thái hậu ngạc nhiên hỏi lại vì sao hằng ngày ông bị bệnh, có quan Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ thuốc thang, ông không tiến cử, lại tiến cử Trần Trung Tá. Ông trả lời rằng Thái hậu hỏi thần về người lo việc nước nên thần tiến cử Trần Trung Tá; còn nếu như Thái hậu hỏi thần cần người phục dịch, thần sẽ tiến cử Vũ Tán Đường, bởi chuyện phục dịch cơm nước, thuốc thang không ai hơn Vũ Tán Đường.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung xin chồng là Thái sư Trần Thủ Độ cho một người trong họ làm Câu đương - một chức dịch nhỏ (cháu họ bà thì cũng là cháu họ ông, bởi Trần Thủ Độ là chồng nhưng ông cũng là em họ bà Trần Thị Dung). Thái sư đồng ý và ghi tên người ấy. Khi xét duyệt, hỏi tên, người ấy vui mừng chạy đến. Thái sư nói: Ngươi vì có công chúa (tức Trần Thị Dung hạ giá xuống công chúa để gả cho Trần Thủ Độ) xin cho, vì vậy không thể so sánh với người khác, phải chặt một ngón chân để phân biệt. Người ấy kêu xin tha. Từ đó không ai dám nhờ vả việc riêng nữa.

Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chủ tịch đã mời rất nhiều các vị quan lại, trí thức của chế độ cũ cộng tác với chính quyền cách mạng. Chính cụ đã tự tay viết: “Chiếu cầu người hiền tài” kêu gọi mọi người, các địa phương tiến cử người hiền tài cho Chính phủ với những lời lẽ chân thành và tha thiết: “Nước nhà cần kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”…

Các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng cũng đã những hành xử rất minh bạch và thật sự cẩn trọng trong vấn đề này. Con trai duy nhất của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dù có chỉ tiêu đi học nước ngoài nhưng đã xung phong vào chiến trường. Con của các vị lãnh đạo cao cấp Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Thọ, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu không mấy ai giữ các chức vụ lớn trong hệ thống chính trị (nếu có giữ cũng là bình thường nếu đủ tiêu chí). Con trai của Phó thủ tướng Hoàng Anh là Hoàng Tam Hùng đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội những ngày bom Mỹ đánh phá miền Bắc. Các con, cháu của nhiều nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước các nhiệm kỳ gần đây và đương nhiệm, nhiều người cũng chỉ là những người giữ các chức vụ khiêm tốn hoặc là những người lao động bình thường như bao người lao động khác.

Từ câu chuyện cụ thể này, hàng loạt vấn đề, câu hỏi tiếp tục được đặt ra trong công tác cán bộ, đó là vai trò của tập thể, của người đứng đầu, người giới thiệu nhân sự, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Rõ ràng các quy định về vấn đề này cần phải được cụ thể hơn nữa, cần có những kiểm tra, giám sát, rà soát của các cơ quan có trách nhiệm mới mong chấm dứt tình trạng "đúng quy trình" nhưng vẫn chọn không đúng người và gây bức xúc đối với xã hội.

Tôi nhớ, có lần phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành tổ chức đảng, ông Phạm Minh Chính khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương nhấn mạnh các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc; tránh tình trạng “làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc”. Nếu ở một nơi nào đó đã thật sự làm đúng quy trình mà vẫn chọn không đúng người thì có lẽ cần rà soát quy trình bởi rất có khả năng là: Quy trình không đúng quy trình.

Vũ Trung Kiên