"Tháng 6 cháy bỏng" và cuộc đời buồn bã của nàng thơ trong tranh

Văn hóa - Ngày đăng : 13:28, 19/06/2021

Bức tranh "Tháng 6 cháy bỏng" từng rơi vào cảnh vô giá trị, khi khung tranh còn "được giá" hơn cả bức tranh. Bức tranh đẹp đẽ rực rỡ là vậy, nhưng nàng thơ trong tranh có cuộc đời buồn bã.

Giờ đây, tác phẩm có giá trị vào khoảng 14 triệu bảng Anh (tương đương 448 tỷ đồng) và đã trở thành một tác phẩm đi vào văn hóa đại chúng. Tác giả của bức tranh là họa sĩ quý tộc người Anh Frederic Lord Leighton (1830-1896).

Vào một buổi chiều mùa xuân năm 1962, hai người phu khuân vác khiêng một bức tranh vào phòng triển lãm Ingo Fincke ở London, Anh. Chủ triển lãm quan sát bức tranh và không lấy gì làm ấn tượng. Hai người phu khuân vác đã tìm thấy bức tranh này ở phía sau một bức tường giả nằm phía trên lò sưởi tại một ngôi nhà mà họ đang có nhiệm vụ khuân đồ.

buchoa1.jpg

Bức tranh "Tháng 6 cháy bỏng" từng rơi vào cảnh vô giá trị, khi khung tranh còn "được giá" hơn cả bức tranh. Bức tranh đẹp đẽ rực rỡ là vậy, nhưng nàng thơ trong tranh có cuộc đời buồn bã.

Chủ nhà không còn thích bức tranh đó nữa nên hai người phu khuân vác được mang tranh đi bán. Thông tin đề sau khung tranh cho biết đó là tác phẩm "Flaming June" (Tháng 6 cháy bỏng) được thực hiện bởi họa sĩ sống ở thế kỷ 19 - Frederic Lord Leighton.

Hội họa thế kỷ 19 khi ấy không được xem là thời thượng nên chủ triển lãm chỉ trả cho hai người phu khuân vác một khoản tiền nhỏ, rồi người ta tháo khung tranh mạ vàng ra khỏi bức tranh bởi ước tính bộ khung đáng giá, quả vậy, người chủ triển lãm bán được bộ khung rất nhanh chóng với giá 65 bảng, còn bức tranh định bán với giá... 50 bảng. "Flaming June" đã từng bị "thất sủng" như thế.

Hành trình kỳ lạ của "nàng thơ tháng 6"

Hành trình chìm nổi của tác phẩm thực sự chứa đựng nhiều yếu tố kỳ lạ. Bởi qua rất nhiều thăng trầm, tác phẩm vẫn xuất hiện trở lại ở tình trạng lý tưởng, không bị tổn hại.

Năm 1895, họa sĩ người Anh Frederic Lord Leighton (1830-1896) hoàn tất bức tranh trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Ông là một họa sĩ có danh tiếng trong giới mỹ thuật Anh. Bức vẽ ngay khi ra đời đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao. Tác phẩm khắc họa một vẻ đẹp nữ tính, cổ điển.

Bức họa có sự sắp đặt tài tính: một thân hình tròn trịa nằm trong một bức tranh khổ vuông, vẻ đẹp cổ điển của tác phẩm khiến nó trở thành kinh điển, không phụ thuộc vào chuẩn mực cái đẹp của một thời kỳ nào. Công chúng ở thời nào chiêm ngưỡng tác phẩm cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nó.

Người phụ nữ nằm ngủ trong ánh nắng, không có thông tin cho biết cô là ai hay đang nằm mơ về điều gì, ngoại trừ một nhành trúc đào nở ngay gần chỗ cô nằm ngủ. Đó là một loài hoa vừa tượng trưng cho sự quyến rũ, vừa có chứa chất độc.

Sự xuất hiện của nhành hoa này trong tranh khiến người ta có thể đặt câu hỏi rằng: Vẻ đẹp tuyệt vời kia liệu có phải một "vẻ đẹp chết người" (femme fatale) hay không?!

buchoa2.jpg

Một bức chân dung tự họa của họa sĩ Lord Leighton (thực hiện năm 1880).

Bức họa được đem trưng bày ngay trong năm 1895, nhưng họa sĩ Leighton lúc này đã quá yếu nên không thể tới dự buổi trưng bày. Ông qua đời vì bệnh tim không lâu sau đó. Phong cách của họa sĩ Leighton dù được hậu thế đánh giá cao nhưng đương thời lại bị che mờ bởi sự phóng khoáng của các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng.

Vì vậy, sau khi ông qua đời, danh tiếng và sự nghiệp của ông dần dần bị lãng quên. Bức "Tháng 6 cháy bỏng" được triển lãm tại bảo tàng Ashmolean ở Oxford, Anh, cho tới năm 1930, trước khi tác phẩm được mua lại và nằm trong một bộ sưu tập tư nhân rồi biến mất từ đó.

Đến đầu thập niên 1960, tác phẩm được tìm thấy lại trong một ngôi nhà ở ngoại ô London. Khi người ta phá một mảng tường phía trên lò sưởi thì tác phẩm lộ diện phía sau mảng tường vừa bị phá đi.

Dù vậy, việc được tìm thấy lại vẫn chưa giúp cho tác phẩm được thoát khỏi cảnh long đong chìm nổi, bức tranh liền bị đem bán cho một phòng triển lãm, tại đây, tác phẩm bị "xem thường". Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Anh - Andrew Lloyd Webber (hiện 73 tuổi), khi đó vẫn còn là một cậu bé, đã rất thích bức tranh khi có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm.

Chủ cửa hiệu khi ấy sẵn sàng bán tác phẩm với giá 50 bảng, nhưng người bà của ông Webber khi ấy đã không đồng ý để ông mua bức tranh này. Năm 1963, ông Luis Ferré - một nhân vật quyền lực tại Puerto Rico đã thực hiện một chuyến đi tới các nước Châu Âu với mong muốn mua được nhiều tác phẩm nghệ thuật của Châu Âu để đem về trưng bày tại viện bảo tàng mà ông đã góp công mở ra.

Ông Luis Ferré đã mua bức tranh này với giá 2.000 bảng và đem về trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Ponce, nằm ở thành phố Ponce, Puerto Rico. Tác phẩm vẫn được trưng bày ở đây cho tới hôm nay. Tác phẩm thường được mệnh danh là "Mona Lisa của Nam Bán cầu".

Qua thời gian, tác phẩm dần lấy lại được danh tiếng và vị thế. Các bảo tàng nổi tiếng trên khắp thế giới đã hỏi mượn tác phẩm này từ Bảo tàng Ponce để trưng bày triển lãm.

Tranh cũng giống như con người, có những cuộc hành trình rất khó đoán định, những giai đoạn tưởng như sẽ chìm xuống đáy rồi biến mất vĩnh viễn, nhưng rồi lại bất ngờ ngoi lên và lột xác, hoàn toàn đổi khác. Hành trình của bức "Tháng 6 cháy bỏng" quả thực ngoạn mục và ly kỳ.

Người phụ nữ trong tranh là ai?

Họa sĩ Frederic Lord Leighton muốn khắc họa một vẻ đẹp vĩnh cửu, tồn tại được cùng với thời gian, và vì thế mà ông không để lại manh mối hay thông tin cho thấy một danh tính cụ thể về người đẹp được khắc họa trong tranh. Nhiều tác phẩm trở nên mê hoặc công chúng chính bởi sự bí ẩn, mơ hồ về nhân vật xuất hiện trong tác phẩm.

Dù vậy, vẫn có thể có những phán đoán nhất định. Hồi năm 2014, tại nước Anh, ông Bamber Gascoigne được thừa kế căn biệt thự ở miền quê từ người dì 99 tuổi - nữ công tước xứ Roxburghe. Nhiều căn phòng trong biệt thự đã đóng cửa nhiều thập kỷ, ông Gascoigne đã dành ra nhiều tháng ở đây để tìm kiếm những món đồ cổ có khả năng bán được giá.

buchoa3.jpeg

Nàng Dorothy Dene làm mẫu cho bức "Crenaia" (1880) của họa sĩ Leighton.

Trong một căn phòng, ông đã tìm thấy bức phác họa khắc họa cận cảnh gương mặt và dáng đầu của một người phụ nữ, đó chính là một bức phác họa của họa sĩ Leighton chuẩn bị cho việc thực hiện tác phẩm "Tháng 6 cháy bỏng". Đó là một phác họa quan trọng đã bị thất lạc từ 120 năm trước, vì lý do nào đó, nữ công tước xứ Roxburghe đã có được bức phác họa này.

Ngay sau đó, bức phác họa được đem ra bán đấu giá. Sự xuất hiện công khai của nó giúp giới hội họa có được những gợi ý về nữ nhân vật trong tranh.

Dù người phụ nữ trong bức "Tháng 6 cháy bỏng" không để lộ nhiều nét riêng trên gương mặt, nhưng trong bức phác họa được tìm thấy hồi năm 2014, các đường nét được khắc họa rất quen thuộc, đó chính là nàng Dorothy Dene, một người mẫu kiêm nàng thơ rất được họa sĩ Leighton yêu mến.

Vốn sinh ra với tên Ada Alice Pullan, người phụ nữ đổi tên thành Dorothy Dene kể từ khi tiếp xúc với giới họa sĩ và mong muốn được mời làm người mẫu. Sau này, nàng Dene đã làm mẫu cho rất nhiều tác phẩm của họa sĩ Leighton trong suốt 15 năm cuối cuộc đời ông.

Song song với sự nghiệp người mẫu tranh, Dene cũng muốn trở thành nữ diễn viên. Họa sĩ Leighton đã chi tiền để cô đi học diễn xuất và thậm chí còn dành cho cô một khoản thừa kế giúp cô ổn định cuộc sống sau khi ông qua đời. Mối quan hệ thân thiết giữa hai người thậm chí khiến người đương thời đồn đoán rằng họ sắp kết hôn với nhau.

Trước đó, có nhiều người mẫu đã được đề cập đến trong vai trò nguyên mẫu của tác phẩm "Tháng 6 cháy bỏng", nhưng Dorothy Dene vẫn luôn là người giống với nhân vật trong tranh hơn cả.

So sánh với các tác phẩm khác mà họa sĩ Leighton từng khắc họa cô, có một sự tương đồng rất lớn, khi thực hiện tác phẩm, chính họa sĩ đã chủ ý khiến các đường nét trên gương mặt nhân vật trở nên "chung chung" để không quá đi vào diện mạo riêng của một nhan sắc nữ giới.

Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, Dorothy Dene (1859 - 1899) không thành công, nhưng hậu thế vẫn mãi nhắc nhớ đến bà trong tư cách nàng thơ của Leighton và là nguyên mẫu của một trong những bức họa nổi tiếng nhất thế giới.

Cuộc đời buồn của nàng Dorothy Dene

Họa sĩ Frederic Lord Leighton giàu có, thành đạt, độc thân, còn nàng Dorothy Dene xinh đẹp, thông minh, tham vọng. Nàng Dene vốn là một cô gái nghèo, sau khi được họa sĩ Leighton biết tới và yêu mến, ông đã giúp đỡ cho cuộc sống của nàng rất nhiều.

Sinh ra trong một gia đình có cha là kỹ sư động cơ hơi nước và mẹ từng là người giúp việc trong những gia đình thượng lưu, nàng Dene tuy không phải con nhà giàu, nhưng nàng có nhan sắc, có học thức, hiểu biết về đời sống xã hội thượng lưu.

buchoa4.jpg

Nàng Dorothy Dene làm mẫu cho bức "Clytie" (1895) của họa sĩ Leighton

Dù nhà không giàu nhưng cha mẹ nàng hết lòng với việc học của con, khuyến khích con theo đuổi nghệ thuật. Tuổi thơ êm đềm của nàng kết thúc khi người cha bị mất việc hồi năm 1876.

Ngay năm sau, người mẹ rơi vào cảnh liệt giường vì di chứng từ ca sinh khó. Lúc này, gia đình đông con rơi vào cảnh túng quẫn, trong nhà có người em gái mắc bệnh, vì không có tiền chạy chữa mà sớm qua đời.

Chỉ hai năm sau khi mất việc, người cha rơi vào cảnh phá sản và rời bỏ gia đình, người mẹ bệnh tật cùng với đàn con phải rời khỏi ngôi nhà mà họ vẫn sống trước nay, để cùng chen chúc trong một căn hộ nghèo nàn, chật chội.

Không còn cha lo toan kinh tế, người mẹ bệnh tật không thể kiếm ra tiền, những đứa trẻ nhà Pullen nhanh chóng rơi vào cảnh thất học và phải cố kiếm việc để có cái ăn. Lúc này, những người anh chị lớn trong gia đình nhanh chóng tìm công việc phù hợp với mình, họ tới các nhà máy, công xưởng.

Về phần mình, nàng Dene biết rằng bản thân có một diện mạo ưa nhìn, ở tuổi 18, nàng quyết định trở thành người mẫu, nghề này cho phép nàng có nhiều thời gian để dành cho gia đình, chăm sóc mẹ và các em, đồng thời mức lương cũng không tệ lại mở ra nhiều cơ hội.

Chỉ trong vòng một năm vào nghề, Dene đã được họa sĩ Leighton mời làm người mẫu, khi ấy ông đã là một họa sĩ có tiếng ở London. Ở tuổi 48, Leighton vẫn là một người đàn ông độc thân, ông rất được quý chuộng trong giới thượng lưu London lúc bấy giờ.

Leighton nổi tiếng hào phóng với các người mẫu và nghệ sĩ trẻ. Dù vậy, ở Leighton, người ta cảm nhận thấy một sự xa cách, lãnh đạm. Thực tế, suốt một thời tuổi trẻ, Leighton từng theo đuổi một nữ ca sĩ hơn ông 15 tuổi. Leighton tôn thờ vẻ đẹp cổ điển, các tác phẩm của ông đương thời bán rất chạy và được giá cao.

Dene đưa lại cho Leighton một vẻ đẹp cổ điển đúng theo thị hiếu của ông. Mối quan hệ giữa vị họa sĩ và cô người mẫu không được biết một cách rõ ràng, bởi các thư từ giữa họ về sau đã bị người thân đem đốt, nhưng có một điều chắc chắn, Dene đã trở thành nàng thơ chiếm vị trí quan trọng trong cảm hứng hội họa của Leighton.

Ông khuyến khích và hỗ trợ cô theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, trả tiền cho cô đi học và chu cấp tiền cho gia đình cô thoát khỏi cảnh bần cùng.

Sau nàng Dorothy Dene, những người em gái của nàng cũng nối gót chị trở thành người mẫu cho họa sĩ Leighton, rồi họ cũng trở thành diễn viên kịch và bắt đầu có những giao tế rộng rãi hơn để tự lực cánh sinh.

Về phần họa sĩ, ông qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 65 hồi năm 1896. Bức tranh chân dung cuối cùng của ông còn đang thực hiện dang dở, khắc họa nàng Dene trong hình ảnh tiên nữ Clytie của thần thoại Hy Lạp. Bức chân dung đã được đặt trong quan tài của họa sĩ với hàm ý khi sang thế giới bên kia, ông sẽ hoàn tất nốt tác phẩm của mình.

Dene cũng qua đời không lâu sau đó, ở tuổi 39, hồi năm 1899 vì những vấn đề sức khỏe. Cho tới hôm nay, nàng vẫn tiếp tục mê hoặc công chúng qua bức "Tháng 6 cháy bỏng".

Theo Bích Ngọc - Dân Trí