Vì sao Mỹ tăng gấp 3 số vắc xin tặng Đài Loan lên 2,5 triệu liều Moderna?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:27, 19/06/2021
Đang cạnh tranh với Trung Quốc để tăng cường ảnh hưởng địa chính trị thông qua cái gọi là "ngoại giao vắc xin", Mỹ ban đầu đã hứa tặng 750.000 liều cho Đài Loan, nhưng con số đó đang tăng lên khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường cam kết gửi 80 triệu liều vắc xin do Mỹ sản xuất cho thế giới.
Coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình, Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị gửi vắc xin COVID-19 tới hòn đảo, nơi đang chống chọi với sự gia tăng đột biến của các ca bệnh. Thế nhưng, Đài Loan từ chối vì lo ngại về sự an toàn của vắc xin Trung Quốc.
2,5 triệu liều vắc xin Moderna được tặng cho Đài Loan sẽ rời thành phố Memphis, bang Tennessee, Mỹ trên chuyến bay vào sáng sớm 19.6 (giờ Mỹ) và đến Đài Bắc vào tối 20.6. Quan chức cấp cao Mỹ cho biết thêm rằng giao hàng nhanh chóng là do các chuyên gia của cả hai bên có thể tìm ra các vấn đề về quy định.
"Chúng tôi không phân bổ những liều này dựa trên điều kiện chính trị hoặc kinh tế. Chúng tôi đang tặng những loại vắc xin này với mục tiêu duy nhất là cứu mạng người", quan chức này cho biết.
“Vắc xin của chúng tôi không đi kèm với các ràng buộc”, quan chức nói, đồng thời cho biết thêm Đài Loan đã đối mặt với những thách thức không công bằng trong nỗ lực mua vắc xin trên thị trường toàn cầu.
Trước Mỹ, Nhật Bản đã tặng Đài Loan 1,24 triệu liều vắc xin AstraZeneca.
Một thỏa thuận để Đài Loan mua vắc xin từ BioNTech SE (Đức) đã thất bại trong năm nay, với việc chính quyền bà Thái Anh Văn đổ lỗi cho Trung Quốc gây áp lực.
Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng Đài Loan có thể tự do mua vắc xin thông qua Shanghai Fosun Pharmaceutical Group Co, công ty có hợp đồng bán vắc xin của BioNTech tại Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan.
Quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết: “Chúng tôi tin rằng những nỗ lực này của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các giao dịch mua vắc xin, vì mục đích chính trị, là đáng trách".
Đại sứ quán Mỹ trên thực tế - Viện Mỹ tại Đài Loan đã xác nhận việc giao hàng.
"Khoản tài trợ phản ánh cam kết của chúng tôi với Đài Loan như người bạn đáng tin cậy và một thành viên của gia đình dân chủ quốc tế", Viện Mỹ tại Đài Loan tuyên bố.
Đài Loan đang cố gắng đẩy nhanh sự xuất hiện của hàng triệu liều vắc xin theo đơn đặt hàng, dù tỷ lệ mắc COVID-19 vẫn ở mức tương đối thấp so với nhiều nơi khác bất chấp sự gia tăng các ca bệnh. Chỉ có khoảng 6% trong số 23,5 triệu người của Đài Loan đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin theo phác đồ.
Đến nay, Đài Loan ghi nhận tổng cộng 13.896 ca mắc COVID-19 với 538 người chết và 8.042 trường hợp khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, Đài Loan có thêm 128 bệnh nhân và 20 người chết vì COVID-19
Lô vắc xin của Mỹ đến vào thời điểm Washington đang làm việc với Đài Bắc để tạo ra chuỗi cung ứng an toàn cho các mặt hàng chiến lược như chip máy tính. Trong đó Đài Loan là nhà sản xuất chính, rất quan trọng với các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và các ngành công nghiệp khác.
Nó cũng diễn ra sau khi Đài Loan thông báo vào 18.6 rằng Quách Đài Minh (tỷ phú sáng lập Foxconn - nhà sản xuất hợp đồng điện tử hàng đầu thế giới) và TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) thay mặt chính quyền đàm phán mua vắc xin COVID-19.
Jonathan Fritz, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng Trung Quốc đã "rất tích cực sử dụng việc tặng vắc xin như một đòn bẩy để khiến nhiều đối tác ngoại giao của Đài Loan chuyển sang công nhận họ".
Trung Quốc đã giảm dần số lượng các đồng minh ngoại giao của Đài Loan, hiện chỉ còn 15 quốc gia.
Dù không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng Mỹ đã thề sẽ tăng cường quan hệ với Đài Loan, mà theo luật pháp Mỹ, phải cung cấp các vũ khí phòng vệ cho hòn đảo.
Đầu tuần này, Đài Loan đã báo cáo cuộc xâm nhập lớn nhất từ trước đến nay của không quân Trung Quốc, bao gồm 28 máy bay chiến đấu, ném bom có khả năng hạt nhân và chống tàu ngầm vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo.