Rùng rợn thí nghiệm làm chuột đực mang thai tại Trung Quốc

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:53, 20/06/2021

Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Hải quân Trung Quốc vừa công bố mô hình mang thai ở chuột đực. Những con chuột đực trong thí nghiệm có thể sinh con.

Nhóm nghiên cứu phẫu thuật ghép 1 con chuột đực bị thiến với 1 con chuột cái thành thể dính liền (2 sinh vật có cùng 1 hệ thống tuần hoàn) – tạo ra “bộ phận mang tính cái” cho chuột đực. Sau 8 tuần họ cấy ghép thêm tử cung của 1 con chuột cái khác vào thể dính liền.

Tiếp theo, phôi thai được cấy vào tử cung ghép của thể dính liền lẫn tử cung tự nhiên của chuột cái thuộc thể dính liền. Phôi thai trải qua 21 ngày phát triển, nhóm nghiên cứu tiến hành mổ lấy chuột con.

rat1.jpg
Hình ảnh mô tả quá trình xây dựng mô hình mang thai ở chuột đực - Ảnh: Handout

Chỉ 6 trong tổng số 163 thể dính liền mang thai (tương đương tỷ lệ thành công 3,68%). Tuy nhiên vẫn có 10 chuột con được sinh ra, phát triển đến tuổi trưởng thành và cơ quan nội tạng không có gì bất thường.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Thí nghiệm của chúng tôi hé lộ khả năng phát triển phôi thai một cách bình thường ở cá thể động vật có vú đực. Theo chúng tôi biết cá thể động vật có vú đực mang thai chưa từng xảy ra từ trước đến nay”.

Cá thể đực mang thai quả thực rất hiếm gặp ở động vật, thường chỉ có họ cá syngnathidae như cá chìa vôi, cá ngựa sở hữu khả năng này.

Thí nghiệm trên - được đăng tải trên trang tin khoa học BioRxiv (chưa qua bình duyệt) - ngay sau khi công bố đã nhận phải phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc. Một cư dân mạng chất vấn: “Làm vậy đi ngược lại quy luật tự nhiên. Ý nghĩa của nghiên cứu này là gì?”. Một người khác nhận xét: “Quá trình thí nghiệm thật tàn nhẫn. Giống như biến chuột đực và chuột cái thành 1 cái lồng ấp vậy”.

Ngay khi được công bố, tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA đã lên án thí nghiệm này là “lập dị và vô nhân đạo”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết thí nghiệm lấy cảm hứng từ việc cá ngựa đực ấp trứng và kết quả của thí nghiệm này có thể có “tác động sâu sắc đến sinh học sinh sản của nhiều loài khác”.

Cẩm Bình