Việt Nam đẩy mạnh giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số trong các cấp giáo dục
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:53, 20/06/2021
Bộ TT-TT đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật Dự thảo đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án trên, mục tiêu chung là chuyển đổi nhận thức; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; xây dựng mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương đến cấp xã, với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ, thường xuyên…
Mục tiêu đến 2025, 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến, cơ bản nắm được cách thức sử dụng khi có nhu cầu. 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã cho ít nhất 60% số xã, phường trên địa bàn với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp.
100% cán bộ lãnh đạo, 60% cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước hàng năm được tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. Phấn đấu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc...
60% giáo viên dạy các môn học về tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giáo dục STEM/STEAM, kỹ năng số và đánh giá trực tuyến kỹ năng số qua hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia; 50% số cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các môn học giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số…
Để hoàn thành những mục tiêu trên, nhóm tuyên truyền qua các cơ sở giáo dục cần đưa nội dung phổ cập kỹ năng số vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số; sáng tác bộ truyện tranh với các nhân vật và nội dung, tình huống chuyển đổi số, phát hành cho các trường học, thư viện.
Tổ chức các cuộc mit-tinh, tọa đàm, sự kiện văn hóa - nghệ thuật, thể thao trong các trường học, kết hợp lồng ghép hoạt động thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số đối với các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên, sinh viên, học sinh… trong các cơ sở giáo dục trong toàn quốc.
Thí điểm xây dựng “Đại học số”
Đến năm 2025, 100% các trường “Đại học số” hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng số, nền tảng công nghệ số, trang thiết bị học và thực hành sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Theo đó, lựa chọn và thí điểm xây dựng “Đại học số” để từng bước nhân rộng. Tập trung đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, quản trị số cho đội ngũ lãnh đạo và toàn thể giảng viên, viên chức và người lao động. Chú trọng đào tạo cập nhật kiến thức chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số cho đội ngũ giảng viên…
Xây dựng trường “đại học số” với mô hình 3 trụ cột, gồm tổ chức số, quản trị số, hoạt động số. Chuẩn hóa dữ liệu số đồng bộ thống nhất, học liệu giáo trình số mở, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng công nghệ số từ quá trình tuyển sinh, đào tạo, sát hạch trên cùng nền tảng giáo dục với quy trình quản lý tinh gọn thống nhất đồng bộ là một phần trong hệ sinh thái giáo dục và đào tạo quốc gia.
Đẩy mạnh chuyển đổi số tổng thể và toàn diện, quyết liệt thay đổi quy trình, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số đặc biệt là các nền tảng mở, công nghệ mở để chuyển đổi số nhanh và toàn diện trong tất cả các hoạt động của trường, đặc biệt là các hoạt động có liên quan đến sinh viên và giảng viên…