Ba sai lầm cơ bản khi đăng ký học bổng đi Anh
Giáo dục - Ngày đăng : 17:30, 01/07/2015
1. Đặt nhầm thứ tự ưu tiên
Đây có thể coi là lỗi phổ biến của rất nhiều ‘thợ săn’… hụt học bổng! Với một bộ hồ sơ học bổng nộp vào bất cứ trường Đại học nào, bạn cần phải biết rõ học bổng mình đang nhắm tới sẽ được xem xét cấp cho sinh viên theo những tiêu chí nào và quan trọng hơn hết là trong số đó, tiêu chí nào là quan trọng nhất!
Thực tế là với hàng trăm, hàng ngàn bài báo hay những mẩu quảng cáo rùm beng ở trên mạng dễ làm nhiều bạn trẻ lầm tưởng rằng một CV với thật nhiều hoạt động xã hội ‘khủng’ thể hiện hình ảnh năng động và hoạt bát sẽ giúp họ thuyết phục được nhà trường cấp học bổng cho mình.
Nhưng thực tế thì không ngọt ngào như thế, xin học bổng cũng không khác gì làm một bài kiểm tra cả, và trong đó CV chỉ là một câu chiếm… 10% số điểm! Giữa hai hồ sơ xin học bổng có điểm GPA bằng nhau, chắc chắn các giáo sư sẽ thích chọn một sinh viên có điểm IELTS cao hơn hoặc… biết nhiều ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh hơn là một sinh viên có nhiều hoạt động tình nguyện hơn! Vậy, bạn sẽ chọn dành thời gian của mình để giải quyết ‘câu hỏi 3 điểm’ mang tên IELTS hay cẫu hỏi 1 điểm mang tên hoạt động xã hội?
Dĩ nhiên, công thức trên chỉ đúng khi bạn muốn xin học bổng của các khoá học thiên về học thuật và/hoặc sẽ cho bạn một học hàm, học vị như thạc sĩ hay tiến sĩ. Nếu bạn apply cho các học bổng khoá học ngắn hay thiên về các hoạt động xã hội, thì dĩ nhiên lúc này, thứ tự ưu tiên lại hoàn toàn khác.
Điều tôi muốn nói ở đây chỉ đơn giản là: hãy nghiên cứu thật kĩ học bổng mà mình nhắm tới, và biết rằng để dành được nó, bạn nên ưu tiên các tiêu chí nào trong bộ hồ sơ học bổng của mình!
2. Sao chép và rập khuôn
Học bổng 10-30% thì rất nhiều và không khó để bạn xin được, nhưng dĩ nhiên những suất học bổng cỡ bự như 50% hay thậm chí 100% thì luôn rất hiếm và đầy cạnh tranh. Và vì vậy, nó không dành cho những ai lười sáng tạo! Đây chính là lỗi phổ biến thứ hai của các bạn: sao chép và rập khuôn những hồ sơ xin học bổng thành công trước kia, đặc biệt là khi viết SOP (Statement of Purpose).
Tôi không nói rằng các bạn không nên tham khảo những bài tự luận xuất sắc, tất nhiên là các bạn nên làm vậy! Nhưng đừng ‘học tập’ nhiều đến mức biết bài SOP của mình trở nên giống như bao nhiêu bài viết khác: viết theo công thức. Và cứ thử tưởng tượng xem mức độ phổ biến của những công thức này nếu nó đã được chia sẻ trên mạng?! Và tôi không cần phải nhắc lại với bạn về mức độ cạnh tranh cho những học bổng lớn là bao nhiêu đâu nhỉ?
3. Chần chừ và chậm trễ
Bạn phải hiểu giành học bổng cỡ bự cũng là một cuộc chạy đua giữa bạn và rất nhiều sinh viên tài năng khác. Và nguyên lý cơ bản cho một cuộc đua đường trường là gì bạn biết không? Chưa cần biết tốc độ chạy là bao nhiêu, nhưng người xuất phát trước luôn là kẻ giành lợi thế. Vì vậy mà yếu tố thời gian cũng đặc biệt quan trọng.
Thay vì cân nhắc xem bao giờ mình mới nên bắt tay vào viết CV hay bài tự luận, tại sao bạn không ngay lập tức apply để đảm bảo một suất học tại trường Đại học mình nhắm tới trước? Tất cả những gì bạn cần là một kế hoạch càng rõ ràng càng tốt, và đừng ngại bắt đầu nó ngay hôm nay!
Tôi cũng từng là một du học sinh xin học bổng, và thật may mắn là tôi đã dành được học bổng 100%. Nhưng tôi tin rằng may mắn không phải là thứ giúp tôi có học bổng, mà đó là những ‘chiến thuật’ mà tôi có khi chuẩn bị bộ hồ sơ đó!
Ai cũng có thể giành được học bổng, điều đó đúng. Nhưng giành được học bổng lớn đến chừng nào, điều đó phụ thuộc vào bạn.
Theo Hoàng Quân