TP.HCM phấn đấu có đủ vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn TP vào cuối năm nay
Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:38, 21/06/2021
Bắt đầu từ chiều nay (21.6), TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin đại trà cho người dân trong chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất chưa từng có tại TP. Chiến dịch tiêm chủng lần này kéo dài trong 5 ngày với hàng trăm điểm tiêm.
Nguồn vắc xin để TP.HCM thực hiện tiêm chủng trong chiến dịch này là từ Bộ Y tế vừa mới chuyển giao 836.000 liều. Đây là vắc xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca mà Chính phủ Nhật vừa tặng cho Việt Nam 1 triệu liều.
Chia sẻ với báo chí, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng đây là một vinh dự cho TP khi được Chính phủ giao cho một số lượng lớn vắc xin, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề.
Với hàng trăm điểm tiêm hoạt động mỗi ngày, để đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ cũng như thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM là điều rất khó khăn, đòi hỏi phải sự hợp tác của người dân.
Để thực hiện điều này, TP đã huy động gần 1.000 đội tiêm chủng, mỗi đội 5 người. Toàn bộ đội các tiêm chủng đã được Bộ Y tế tập huấn về an toàn tiêm chủng.
Thành phố cũng huy động 4.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Các thanh niên tình nguyện cũng được tập huấn. Những người này có nhiệm vụ bố trí, sắp xếp cho người dân tiêm vắc xin đảm bảo trật tự, an toàn, thực hiện đúng giãn cách xã hội. Ngoài ra, TP còn bố trí đội ngũ công tác hành chính, tổ an ninh trật tự, xe cứu thương…
Ông Đức cho biết, trong số 836.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca được Chính phủ phân bố cho TP có 30.000 liều được giao cho Bộ Quốc phòng để chủ động tiêm ngừa COVID-19 cho lực lượng vũ trang; 20.000 liều giao cho lực lượng công an, trong đó 18.000 cho lực lượng công an TP và 2.000 cho lực lượng công an của Bộ công an đóng trên địa bàn TP.
Trong chiến dịch tiêm lần này, TP ưu tiên tiêm cho các công nhân tại các khu chế xuất-khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm. Đây là những lực lượng sản xuất chính của TP cần được bảo vệ, để hạn chế tác động xấu đến kinh tế TP.
Cụ thể sẽ có 280.000 người ở khu chế xuất, khu công nghiệp, 40.000 người ở khu công nghệ cao, 20.000 người ở khu công viên phần mềm Quang Trung được tiêm vắc xin COVID-19 trong chiến dịch này.
BSCK2 Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết TP cần ít nhất 14 triệu liều vắc xin COVID-19 mới có thể đáp ứng đủ cho mọi người. Từ nay đến cuối năm, TP tiếp tục đàm phán, nỗ lực tiếp cận với các nguồn vắc xin để đảm bảo đến hết năm 2021 có được 2/3 người dân TP được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Riêng vắc xin sản xuất trong nước đang thử nghiệm giai đoạn 3 có những khả quan, đến năm 2022 người dân Việt Nam sẽ được tiêm vắc xin trong nước.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay TP có 2 nguồn vắc xin COVID-19 là nguồn của Chính phủ và nguồn do TP chủ động. Trong những đợt cung ứng tới chắc chắn nguồn vắc xin COVID-19 sẽ dồi dào hơn, TP sẽ tiếp tục tiêm cho các đối tượng khác.
“Như chúng ta đã biết từ nay đến cuối năm, Chính phủ có khoảng 100 triệu liều vắc xin COVID-19. Như vậy, với dân số hiện nay TP sẽ được cung ứng 10% , tương đương với 10 triệu liều. Với 10 triệu liều từ nguồn cung ứng của Chính phủ là TP đã đảm bảo. Ngoài ra, TP cũng đang tiếp cận với các nhà sản xuất để tìm kiếm nguồn vắc xin chủ động. Nguồn vắc xin chủ động mà TP hướng đến là từ 5 đến 10 triệu liều trong năm nay”, ông Đức nói.