Tổng thống Putin không gặp Tướng Min Aung Hlaing, Nga vẫn cam kết tăng cường quan hệ với quân đội Myanmar
Chuyển động - Ngày đăng : 08:31, 22/06/2021
Đây là kết quả cuộc gặp tại Moscow vào ngày 21.6. Đài truyền hình Myanmar MRTV cho biết hai ông đã thảo luận về một loạt biện pháp hợp tác an ninh lẫn các vấn đề hiện tại của Myanmar, cũng như nhấn mạnh cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa quân đội hai nước.
Theo bản tin của MRTV, Thống tướng Min Aung Hlaing được đón tiếp rất nồng hậu. Ông chụp ảnh, bắt tay vào trao đổi quà tặng với các thành viên Hội đồng An ninh Nga trước khi dự lễ tại một chùa Phật giáo ở Moscow. Tuy nhiên phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov trước đó thông báo Tổng thống Vladimir Putin sẽ không gặp Thống tướng Min Aung Hlaing.
Chuyến thăm Nga dự Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow là lần công du nước ngoài thứ hai của Thống tướng Min Aung Hlaing. Không ít nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích Nga công nhận chính quyền quân quản Myanmar hiện tại. Phía Nga tuyên bố họ có mối quan hệ lâu dài với Myanmar và từng bày tỏ quan ngại trước tình trạng sát hại dân thường ở Myanmar vào tháng 3 trước.
Bà Aung San Suu Kyi cảm ơn người dân mừng sinh nhật
Trong lúc Thống tướng Min Aung Hlaing công du nước ngoài, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi (76 tuổi) cùng ngày gửi lời cảm ơn đến những người dân Myanmar đã mừng sinh nhật và tỏ ý ủng hộ bà bằng cuộc “biểu tình hoa”.
Luật sư Khin Maung Zaw thay mặt bà Suu Kyi chuyển lời cảm ơn cùng lời chúc cho mọi người, đồng thời thông báo nữ chính trị gia vẫn khỏe mạnh.
Cài hoa trên tóc là nét đặc trưng của bà Suu Kyi. Cuối tuần qua, nhiều người, trong đó có cả Hoa hậu Myanmar - Thuzar Wint Lwin lẫn thành viên một số nhóm vũ trang ở bang Karen, đã mô phỏng lại và chụp hình đăng lên mạng xã hội kèm lời chúc.
Tại Yangon, người dân treo biểu ngữ “Chúc mừng sinh nhật mẹ Suu. Chúng tôi lên đứng bên bà” trên đường dây điện. Lực lượng ủng hộ tại thành phố Dawei làm cả một bánh sinh nhật khổng lồ rồi tuần hành trên phố.
Lời cảm ơn Suu Kyi gửi đến người dân được đưa ra sau phiên tòa xét xử bà vừa khôi phục vào ngày 21.6. Nữ chính trị gia đối mặt với hàng loạt cáo buộc như vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 khi tham gia bầu cử năm ngoái, nhập khẩu bộ đàm trái phép, giao dịch bằng vàng phi pháp,…
Truyền thông bị cấm tham gia phiên tòa nên cuộc họp báo ngắn do đội ngũ pháp lý bảo vệ bà Suu Kyi là kênh thông tin duy nhất.
Quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân sự do Aung San Suu Kyi lãnh đạo sau khi chính quyền của bà bác bỏ các cáo buộc gian lận với chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.2020. Các nhà giám sát quốc tế đã nói rằng cuộc bỏ phiếu là công bằng.