Bộ KH-CN: Nâng mức phạt vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:32, 22/06/2021

Sửa đổi nâng mức phạt với hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26.1.2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ KH-CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động KH-CN, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử; tiến hành lấy ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân nghiên cứu đối với dự thảo Nghị định.

Với lĩnh vực sở hữu công nghiệp, theo Bộ KH-CN, thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ban hành năm 2013, chưa quy định xử phạt với hành vi xuất khẩu, tuy nhiên Luật Hải quan năm 2014 (Điều 74) quy định thủ tục đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất khẩu.

Quy định hiện hành tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP không phù hợp khi vừa áp dụng xử phạt bổ sung tịch thu tang vật và vừa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, Bộ KH-CN phân tích rằng quy định hiện hành tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm không phù hợp khi áp dụng cho tất cả các hành vi vi phạm mà không quy định điều kiện, tiêu chí áp dụng...

Với lĩnh vực hoạt động KH-CN, chuyển giao công nghệ, theo Bộ KH-CN, qua thực tiễn triển khai công tác thanh tra KH-CN cho thấy, hầu hết các tổ chức KH-CN và các nhiệm vụ KH-CN được thanh tra đều chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ việc công khai thông tin nhiệm vụ KH-CN.

“Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là chưa có chế tài xử phạt với việc thực hiện quy định về công khai thông tin nhiệm vụ KH-CN. Do đó, cần bổ sung hình thức xử phạt với hành vi không thực hiện công khai hoặc công khai thông tin nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước không đúng quy định”, Bộ KH-CN nói rõ…

Ngoài phần căn cứ pháp lý ban hành, Dự thảo Nghị định gồm 6 Điều. Trong đó, liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP, Dự thảo của Bộ KH-CN nêu rõ việc bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quyền với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý...

"Điều này đảm bảo phù hợp với Luật Hải quan năm 2014; mặt khác, quy định này cũng đảm bảo phù hợp với cam kết tại CPTPP và EVFTA", Bộ KH-CN nhấn mạnh.

Sửa đổi nâng mức phạt với hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp từ “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng” thành “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng”.

Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi sản xuất hàng hóa xâm phạm quyền với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để đảm bảo sự thống nhất giữa các điều luật, đồng thời thuận lợi, rõ ràng hơn trong áp dụng pháp luật.

Cụ thể, quy định rõ “Sản xuất bao gồm thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp”.

Ngoài ra, Dự thảo của Bộ KH-CN cũng bổ sung hành vi không thực hiện hoặc thực hiện công khai thông tin nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước không đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 6) để thống nhất với nội dung đăng ký thông tin nhiệm vụ KH-CN và phù hợp với thực tiễn triển khai công tác thanh tra...

Thu Anh