Cứu sống sản phụ thai ngoài tử cung hiếm gặp
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 11:00, 23/06/2021
Bệnh nhân là chị L.T.B.B. (SN 1990, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) được bệnh viện tuyến trước chuyển đến vào lúc 00 giờ 20 phút ngày 17.6 với chẩn đoán: đau bụng, sốc nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc, thai 24 tuần, dọa sẩy thai. Tình trạng lúc nhập viện: bệnh nhân lơ mơ, da xanh, niêm nhợt, huyết áp thấp, đau bụng nhiều.
Nhận định bệnh nhân bị sốc mất máu, các bác sĩ khoa Cấp cứu tiến hành truyền máu, truyền dịch, hồi sức nội khoa tích cực. Đồng thời kiểm tra siêu âm ghi nhận 1 thai lớn trong lòng tử cung, tụ máu lượng nhiều vùng hố chậu và hạ vị. Bệnh viện tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa và thống nhất chẩn đoán: sốc giảm thể tích do xuất huyết nội đang tiến triển/thai 24 tuần.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu do BS.CK2 Chung Cẩm Ngọc - khoa Phụ Sản, BS.CK2 Nguyễn Thanh Liêm - khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện. Các bác sĩ mở vào ổ bụng thấy ngập máu khoang phúc mạc, khoảng 3.000 ml máu tươi và máu cục. Ở bên phải của tử cung là 1 sừng chột đã vỡ có chứa nhau thai bên trong. Bào thai đã bị đẩy vào khoang phúc mạc.
Các bác sĩ tiến hành cắt bỏ sừng chột, vòi tử cung bên phải và lau rửa ổ bụng. Sau phẫu thuật tình trạng bệnh nhân tốt hơn, sinh tồn ổn định. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, chuẩn bị ra viện.
Theo Ths.BS Nguyễn Hữu Thời - Phó trưởng khoa phụ trách khoa Phụ sản: “Đây là trường hợp thai 24 tuần ở sừng chột tử cung 1 sừng vỡ, là 1 loại của thai ngoài tử cung. Tử cung 1 sừng là 1 dị tật bẩm sinh hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 4-5% các dị dạng tử cung. Tần suất khoảng 1/76.000 thai kỳ. Nguy cơ vỡ tử cung có thai ở sừng chột lên đến 50-90% và đa số (80%) sẽ vỡ ở cuối qúy 2 thai kỳ. Kết quả thai kỳ thường gặp của bệnh cảnh này là vỡ tử cung nếu thai kỳ lớn, thai chậm tăng trưởng.
Đối với phụ nữ mang thai, việc đi khám thai định kỳ và đầy đủ là rất quan trọng để có thể phát hiện sớm và xử trí các trường hợp thai kỳ có bất thường. Khi sản phụ có biểu hiện đau bụng và có triệu chứng sốc xuất huyết thì nên can thiệp ngoại khoa ngay. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. Phẫu thuật với mục đích cắt bỏ toàn bộ sừng chột và cầm máu. Ngoài biến chứng liên quan đến vỡ tử cung, thai ở sừng chột còn làm tăng nguy cơ rau bám bất thường (rau cài răng lược).
Do đó, bác sĩ lâm sàng nên chuẩn bị dự trù như 1 tình huống xuất huyết lớn trong ổ bụng. Phát hiện sớm thai ở sừng chột tử cung vẫn còn là một thách thức với người làm lâm sàng. Thai trong sừng chột được xem là 1 dạng của thai ngoài tử cung. Việc phát hiện sớm rất quan trọng vì có thể tránh cho mẹ những nguy cơ đáng tiếc khi thai phát triển lớn gây vỡ mất máu nhiều có thể ảnh hưởng đến tính mạng”.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân này được cứu sống nhờ năng lực chuyên môn, sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa và đặc biệt việc cung cấp máu đầy đủ và kịp thời của Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ trong tình hình nguồn máu khan hiếm do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.