Đạo diễn Chánh Trực: ‘Nghệ sĩ nên nhường gói trợ cấp COVID-19 cho người nghèo, người bán vé số, hàng rong’
Văn hóa - Ngày đăng : 14:35, 24/06/2021
Nguyễn Thành Chánh Trực là gương mặt quen thuộc của giới nghệ sĩ và khán giả yêu nghệ thuật tại TP.HCM. Hiện anh là đạo diễn kiêm diễn viên của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.
Dấu ấn lớn của đạo diễn Chánh Trực để lại trên các sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM là hàng loạt những vở kịch do anh đạo diễn như Ốc mượn hồn, Trò đời, Giữa hai bờ sương khói, Về đâu, Phía sau tội ác, Công lý như mặt trời, Điều ước thiêng liêng, Đêm vượn hú, Thật và ảo,Ngày xửa ngày xưa (đạo diễn chung với nghệ sĩ Hùng Lâm)…
Ngoài trực tiếp tham gia làm diễn viên và đạo diễn. nghệ sĩ Chánh Trực từng là giảng viên của trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM. Anh là người góp phần đào tạo một thế hệ diễn viên trẻ tài năng như Lê Khánh, Thanh Thúy, Hòa Hiệp, Huy Khánh, Thành Nam, Xuân Trang, Minh Luân, Huỳnh Tiến Khoa, Hữu Tín, Dương Cường, Lê Dương Bảo Lâm...
Là một đạo diễn năng nổ của sân khấu TP.HCM, thế nhưng cũng như nhiều nghệ sĩ khác, trong những ngày diễn ra đại dịch, đạo diễn Chánh Trực cũng phải chịu “bó tay” ngồi một chỗ bán hàng online để duy trì cuộc sống.
Thông qua phương tiện video trực tuyến, đạo diễn Chánh Trực đã dành cho phóng viên Một Thế Giới những chia sẻ chân thành về chuyện nghề, chuyện đời của người nghệ sĩ trong đại dịch COVID-19.
- Anh có thể chia sẻ về đời sống cá nhân của anh và đồng nghiệp tại các sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19?
- Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam rồi liên tục trở đi trở lại đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của mọi thành phần trong xã hội, thế nhưng có thể nói giới nghệ sĩ chúng tôi là những người trực tiếp chịu nhiều thiệt hại nhất.
Đặc biệt trong một tháng qua khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội, các nghệ sĩ thuộc sân khấu xã hội hóa của thành phố hoàn toàn rơi vào tình trạng bế tắc khi phải “án binh bất động”. Sân khấu đóng cửa, các sự kiện chúng tôi lên kế hoạch từ trước giờ phải hoãn lại vô thời hạn. Lịch quay phim sitcom dời đến lần thứ 3 và không biết liệu có bị hủy luôn hay không. Tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng khi TP.HCM ngày nào cũng có hàng trăm ca mới khiến chúng tôi ngôi ở nhà mà như ngồi trên đống lửa lo lắng bâng khuâng không biết những ngày tới sẽ ra sao.
Với cá nhân tôi là đạo diễn, nhưng khi dịch bệnh diễn ra tôi đã xoay xở bằng cách bán hàng online để kiếm sống. Thế nhưng việc bán hàng cũng không được nhiều vì đâu phải mình tôi mà trên mạng có hàng trăm hàng ngàn người cũng bán như tôi.
Trong khi đó, dù dịch bệnh hay bình thường các khoản chi cố định cho gia đình như cơm áo gạo tiền, điện nước, internet vẫn như cũ. Đó là chưa kể các khoản vay ngân hàng để làm chuyên môn vẫn phải trả tiền gốc lẫn tiền lãi đều hàng tháng không thiếu một đồng nào.
- Cụ thể anh đã làm những công việc gì để bù đắp những khó khăn trong thời gian TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội?
- Trong những ngày không được đi diễn và quay phim tôi lên Facebook rao bán đá quý, đá phong thủy, nhưng có lẽ do thời điểm khó khăn vì dịch bệnh nên mọi người chỉ ưu tiên cho những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, rất ít khi người ta chịu bỏ tiền ra để mua các mặt hàng xa xỉ nên doanh số bán hàng của tôi chỉ là đắp đổi qua ngày. Trong khi đó nhìn qua những anh chị em đồng nghiệp thấy họ cũng bán đủ thứ như đồ ăn, quần áo đến cây kim sợi chỉ…Cũng có nhiều nghệ sĩ khá hơn vì nhờ tiền tích lũy trước đó hoặc sống nhờ vào tiền của gia đình.
- Nghệ sĩ là người của công chúng, nơi hoạt động của anh là sân khấu phim trường, nhưng giờ gần như tất cả phải mưu sinh bằng nghề phụ, điều đó gợi lên cho anh suy nghĩ gì về nghề?
- Mỗi lần mở FB lên tôi không khỏi ngậm ngùi khi thấy đồng nghiệp còn không đăng tải những câu chuyện về sân khấu, phim trường, những dự án, vở kịch và bộ phim họ đang tham gia. Thay vào đó họ dùng FB để bán đủ thứ, từ bịch bánh tráng trộn đến cái bánh ú, hũ mắm, ký gạo…
Tôi ứa nước mắt nghĩ về cái nghề của mình, tôi không ngờ có ngày những người nghệ sĩ chúng tôi lại có một cuộc sống chông chênh như thế. Dẫu biết ai cũng phải làm việc để mưu sinh, nhưng khi chúng tôi chọn làm nghệ thuật thì nơi mưu sinh phải là sân khấu, phim trường. Chúng tôi lao động để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mang lại giá trị tinh thần cho công chúng chứ không phải lên mạng buôn bán, quảng cáo để kiếm sống. Tôi thấy hai chữ nghệ sĩ chưa bao giờ “rẻ rúng” phù phiếm như hiện nay.
- Mới đây Bộ VH-TT-DL đề xuất với chính phủ gói trợ cấp hỗ trợ các nghệ sĩ thuộc các đoàn công lập đang gặp khó khăn do COVID-19, anh đón nhận thông tin này như thế nào?
- Ban đầu đọc thông tin này tôi rất mừng và cảm động, nhưng sau khi đọc kỹ thì thấy bộ chỉ đề xuất trợ cấp cho các nghệ sĩ viên chức đang công tác tại các đoàn nghệ thuật công lập. Việc hỗ trợ cho đối tượng nào đều nằm trong khuôn khổ chính sách của nước nên tôi không có ý kiến gì...Nhưng... nếu nói một cách thành thật thì cá nhân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đang hoạt động tại các sân khấu xã hội hóa không khỏi chạnh lòng.
Việc cơ quan chủ quản quan tâm đến đời sống của các nghệ sĩ trong thời điểm này là hành động đáng ghi nhận và trân trọng. Tuy nhiên việc “tách nhóm” nghệ sĩ “dân lập” ra trong đề xuất vô hình trung sẽ tạo ra một tâm lý phân biệt đối xử, ngăn cách giới hạn giữa “nghệ sĩ công” và “nghệ sĩ tư”. Trên thực tế tất cả các nghệ sĩ dù công hay tư đều cùng chung một mục đích là lao động sáng tạo ra những sản phẩm để phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Tôi nghĩ dịch bệnh là tình hình chung, nó ảnh hưởng đến tất cả các thành phần trong xã hội chứ không riêng gì giới nghệ sĩ. Tuy nhiên dù sao thì đời sống của người nghệ sĩ cũng đỡ khó khăn hơn so với người lao động phổ thông, những người bán hàng rong, vé số...Bình thường họ phải chạy ăn từng bữa, làm ngày nào ăn ngày đó thì khi giãn cách xã hội họ sẽ rơi vào tình trạng vô cùng khốn đốn.
Tôi nghĩ nếu có thì trước mắt giới nghệ sĩ nên nhường lại gói hỗ trợ này cho các đối tượng khó khăn hơn. Điều này tôi nói bằng tất cả sự chân thành, giả sử nếu tôi cầm được số tiền hỗ trợ nào đó tôi cũng mang đi cho lại những người lang lang cơ nhỡ.
- Từ khi đại dịch diễn ra đến nay, các nghệ sĩ đang hoạt động tại các sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM đã nhận được sự hỗ trợ nào của các đoàn hội nghệ sĩ và các cấp chính quyền địa phương?
Hầu như chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào, thế nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau dù bi đát đến mấy cũng cố gắng giữ lửa nghề.
- Theo anh, nếu có gói trợ cấp cho các nghệ sĩ khó khăn vì COVID-19 thì nhà nước nên ưu tiên cho nhóm nghệ sĩ nào?
Đòi hỏi sự công bằng một cách tuyệt đối là điều không thể. Cuộc sống của giới nghệ sĩ cũng vậy, luôn có sự chênh lệch ở nhiều góc độ khác nhau. Một số nghệ sĩ nhờ tài năng và may mắn có thu nhập rất cao, đời sống ổn định, của ăn của để, và họ cũng có trách nhiệm với cộng đồng bằng các chương trình từ thiện thiết thực. Trong khi đó cũng có nghệ sĩ rất tài năng nhưng không gặp may mắn nên đời sống gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên khi đã chọn đi theo con đường nghệ thuật thì người nghệ sĩ chấp nhận tất cả, dù sướng dù khổ cũng theo đuổi đam mê đến tận cùng để cống hiến cho nghệ thuật.
- Đời sống của một con người trải qua rất nhiều giai đoạn, lúc thịnh lúc suy, khi huy hoàng khi bi đát, người nghệ sĩ cũng không thoát ra được khỏi quy luật thăng trầm của cuộc đời. Tôi nghĩ sau khi dịch COVID-19 được khống chế hoàn toàn, tất cả người dân được tiêm vắc xin thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường thôi. Khi đó giới nghệ sĩ chúng tôi được quay trở lại màn ảnh sân khấu được công chúng đón nhận, thì đó mới là “gói trợ cấp” lớn nhất mà xã hội dành cho nghệ sĩ.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!