Việt Nam lên tiếng về thông tin phân biệt đối xử với người nước ngoài trong tiêm vắc xin
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:03, 24/06/2021
Ngày 24.6.2021, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao đã trả lời câu hỏi về ý kiến cho rằng Việt Nam có sự phân biệt đối xử giữa người Việt Nam và người nước ngoài trong việc tiêm chủng.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết với mục tiêu tiến tới bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vắc xin, đạt miễn dịch cộng đồng để đưa cuộc sống trở lại bình thường, vừa qua, Việt Nam đã tạo điều kiện, tiêm chủng miễn phí cho hơn 600 thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam và thân nhân.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế để thu xếp tiêm vắc xin cho hơn 50 phóng viên và trợ lý báo chí các văn phòng báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam ngay vào đầu tuần tới.
Theo bà Hằng, trên tinh thần nhân đạo, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ để người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam được đảm bảo sinh hoạt bình thường, an toàn và được giám sát, chăm sóc y tế, điều trị tích cực trong trường hợp cần thiết.
“Xin khẳng định, Việt Nam không phân biệt đối xử trong quá trình chăm sóc sức khỏe cũng như tiêm chủng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Công dân nước ngoài sẽ được tạo điều kiện tiêm chủng khi Việt Nam tiếp nhận thêm vắc xin phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh”, bà Hằng nêu.
Cũng tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới 2020 của Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS).
Bà Hằng cho hay: “Chúng tôi ghi nhận những đánh giá về thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ quyền lao động, chống lao động trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới trong Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2020 của Cơ quan Đối ngoại EU. Rất tiếc báo cáo vẫn còn một số nội dung chưa khách quan dựa trên những thông tin không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam”.
Theo bà Hằng, như đã nhiều lần khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013, các văn bản pháp luật liên quan và được tôn trọng, triển khai trên thực tế, được khẳng định qua các thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, công tác phòng chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Theo đó, các nỗ lực và thành công đó cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong nhiều khuôn khổ song phương và đa phương, như Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
“Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam và thực tế hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng mạng Internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước”, bà Hằng nói.
Theo người phát ngôn, tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến”, “bảo vệ nhân quyền”. Như các quốc gia khác, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Quá trình điều tra, xét xử và giam giữ được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật; quyền của người bị giam giữ được bảo đảm.
“Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện với EU. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, hợp tác với EU trong vấn đề quyền con người trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thông qua cơ chế đối thoại nhân quyền thường niên và các khuôn khổ trao đổi song phương khác”, bà Hằng nêu.