Bộ Ngoại giao: Nói Việt Nam thắng COVID-19 do may mắn là không khách quan
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:22, 24/06/2021
Việt Nam chống dịch thành công không phải do may mắn
Theo hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, trong lúc COVID-19 bùng phát, có hàng chục nghìn lao động Việt Nam tại Nhật và Đài Loan hết hạn lao động nhưng không thể về nước. Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam vì thế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đề nghị Nhật Bản và Đài Loan tiêm chủng cho người lao động Việt Nam tại đây.
Trả lời câu hỏi này tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 24.6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp như thời gian vừa qua và hiện nay, Chính phủ Việt Nam luôn giành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, chỉ đạo Bộ Ngoại giao, thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên giữ liên lạc, kịp thời động viên, thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, tiến hành các biện pháp hỗ trợ công dân trong trường hợp cần thiết.
Các cơ quan đại diện Việt Nam cũng trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe, chăm sóc y tế, tiêm chủng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có những người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Trả lời câu hỏi về việc tờ New York Times đã có bài báo về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam. Trong đó có đoạn “Việt Nam từng tự hào về thành tích khoanh vùng dịch trong quá khứ nhưng giờ đây ổ dịch từ nhóm truyền giáo tại TP.HCM và sự nổi lên của một biến thể vi rút chết người mới sẽ đặt dấu chấm hết cho may mắn trong quá khứ của Việt Nam”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, là một người sống và làm việc tại Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua, nói Việt Nam may mắn trong công tác phòng chống dịch bệnh là không khách quan.
Theo bà Hằng, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương.
Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt trong đó có những biện pháp lần đầu tiên được áp dụng trong công tác phòng chống dịch như: ngăn chặn sự lây lan từ bên ngoài bằng cách hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức khoanh vùng, dập dịch, truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh với phạm vi phù hợp, kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và những người có tiếp xúc gần với nguồn bệnh một cách hiệu quả...
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh “bình thường mới”, Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp “5K” như các bạn đã biết và gần đây nhất là “5K+vắc xin” để kêu gọi mỗi người dân Việt Nam cùng nhau thực hiện chung sống an toàn với đại dịch. Việt Nam cũng tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ góp phần nhằm tăng cường hiệu quả việc phát hiện, truy vết, nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh.
Theo bà Hằng, với quyết tâm, nỗ lực và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, của người dân đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch, Việt Nam đã vượt qua 3 đợt bùng phát dịch bệnh. Phát huy kinh nghiệm thành công trong việc đối phó với các đợt dịch trước đây cộng với sự hiểu biết và nỗ lực ngày càng cao của đội ngũ nhân viên y tế và năng lực xét nghiệm, Việt Nam đang từng bước kiểm soát được đợt dịch thứ 4 đồng thời vẫn đảm bảo đời sống cũng như sản xuất của người dân.
Hiện nay Việt Nam cũng đang tích cực triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả chiến lược vắc xin và chuẩn bị các điều kiện tốt nhât để xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin trên phạm vi cả nước theo lộ trình phù hợp, khoa học và hiệu quả, hướng đến mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh những kết quả trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế, Tổ chức y tế thế giới WHO và nhiều quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Dư luận báo chí kể cả báo chí Mỹ ghi nhận Việt Nam là “hình mẫu” trong phòng chống dịch bệnh.
Hoan nghênh việc Mỹ chia sẻ vắc xin cho thế giới
Cũng liên quan đến vấn đề vắc xin, Mỹ hôm 21.6 công bố kế hoạch chia sẻ 55 triệu liều trong 80 triệu liều vắc xin COVID-19 dư thừa cho thế giới, trong đó cung cấp cho Việt Nam vừa trực tiếp vừa qua cơ chế COVAX.
Trả lời câu hỏi này, bà Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực trao đổi với các cơ quan chức năng của Mỹ cũng như là cơ chế COVAX facility để sớm tiếp nhận vắc xin. Cho đến nay Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều vắc xin qua cơ chế COVAX.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Việt Nam hoan nghênh và mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vắc xin và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin để cùng đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Cũng theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã trao đổi với công ty JSC Generium (Nga) sản xuất vắc xin Gam-Covid-Vac (tên khác là Sputnik V) để có vắc xin sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân.
“Chúng tôi cũng được biết thông tin từ Bộ Y tế, thời gian vừa qua, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã đàm phán và sẽ sớm ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin phòng COVID-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng dự kiến bắt đầu từ tháng 7.2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô khoảng 100 triệu liều/năm.
Về vấn đề hộ chiếu vắc xin, theo bà Lê Thị Thu Hằng, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về lộ trình điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh và biện pháp y tế đối với người nhập cảnh có Giấy chứng nhận đã tiêm chủng hay còn gọi là “hộ chiếu vắc xin”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng liên quan để nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập cảnh theo hướng: thúc đẩy công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng – hộ chiếu vắc xin; xem xét giảm thời gian cách ly và số lần xét nghiệm đối với những người đã được tiêm vắc xin và đáp ứng kết quả xét nghiệm y tế; đề xuất lộ trình mở rộng các đối tượng được xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.