Nhà nghiên cứu Trung Quốc thừa nhận vắc xin COVID-19 nội địa kém hiệu quả với biến thể Delta
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:19, 25/06/2021
Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng bởi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc vào cuối ngày 24.6, Phùng Tử Kiện, nhà nghiên cứu và là cựu Phó giám đốc tại Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, không cung cấp thêm chi tiết.
Không nêu tên hai loại vắc xin, Phùng Tử Kiện cho biết chúng thuộc loại vắc xin bất hoạt (khiến coronavirus "bị giết" và không thể tái tạo trong tế bào người).
5 trong số 7 loại vắc xin COVID-19 được sản xuất trong nước trong kế hoạch tiêm chủng đại trà của Trung Quốc là vắc xin bất hoạt, gồm cả sản phẩm Sinovac Biotech và Sinopharm được sử dụng ở các nước như Brazil, Bahrain, Chile.
Các quan chức cho biết biến thể Delta đã gây ra tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở ba thành phố ở tỉnh Quảng Đông (phía nam Trung Quốc), nơi có tổng cộng 170 bệnh nhân được xác nhận tại địa phương được báo cáo trong khoảng thời gian từ ngày 21.5 đến ngày 21.6.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trong số họ đã nhiễm biến thể Delta.
Khoảng 85% các ca mắc COVID-19 ở Quảng Đông trong đợt bùng phát mới nhất được phát hiện ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh này.
Phùng Tử Kiện nói: “Trong đợt bùng phát dịch ở Quảng Đông, không có trường hợp nhiễm bệnh nào được tiêm chủng trở nên nghiêm trọng và không có ca nào nghiêm trọng đã được tiêm vắc xin”.
Hồi tháng 4.2021, quan chức kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc thừa nhận vắc xin nội kém hiệu quả và cho biết nước này đang xem xét việc trộn vắc xin COVID-19 như một cách để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chúng.
Dữ liệu hiện có cho thấy vắc xin COVID-19 của Trung Quốc tụt hậu so với các vắc xin nước khác, gồm cả Pfizer và Moderna (Mỹ), về hiệu quả, nhưng yêu cầu kiểm soát nhiệt độ ít nghiêm ngặt hơn trong quá trình bảo quản.
Ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đã phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc rằng các loại vắc xin hiện có "không có tỷ lệ bảo vệ cao".
Ông nói: “Việc tiêm chủng bằng cách sử dụng các loại vắc xin thuộc các dòng kỹ thuật khác nhau đang được xem xét".
Ông Cao Phúc nói rằng thực hiện các bước để “tối ưu hóa” quy trình vắc xin bao gồm thay đổi số liều và khoảng thời gian giữa các liều là một giải pháp xác định cho các vấn đề về hiệu quả.
Nhiều nước chủ yếu sử dụng vắc xin COVID-19 của Trung Quốc như Campuchia, Indonesia, Bahrain, Philippines, Chile đều khống chế dịch COVID-19 kém, với số ca bệnh và tử vong tăng đều mỗi ngày.
Biến thể Delta thống trị toàn cầu
Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tuần trước, Delta đang trở thành biến thể thống trị toàn cầu của căn bệnh COVID-19 với khả năng lây truyền nhanh hơn.
Soumya Swaminathan phát biểu trong cuộc họp báo: “Biến thể Delta đang trên đường trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu vì khả năng truyền tải tăng lên”.
Soumya Swaminathan thất vọng về sự thất bại của ứng cử viên vắc xin CureVac (Đức) trong thử nghiệm để đáp ứng tiêu chuẩn hiệu quả của WHO, đặc biệt là khi các biến thể có khả năng lây truyền cao thúc đẩy nhu cầu về các mũi tiêm mới, hiệu quả.
Các biến thể coronavirus mới được CureVac trích dẫn khi công ty Đức trong tuần này báo cáo loại vắc xin của họ chỉ chứng minh được hiệu quả phòng bệnh là 47%, không đạt được tiêu chuẩn 50% của WHO.
Công ty cho biết đã ghi nhận ít nhất 13 biến thể lưu hành trong quần thể nghiên cứu của mình.
Cho rằng các loại vắc xin mRNA như Pfizer - BioNTech và Moderna đã công bố tỷ lệ hiệu quả cao nhất đến 90%, Soumya Swaminathan nói thế giới mong đợi nhiều hơn từ ứng cử viên của CureVac (cũng dùng công nghệ mRNA).
“Chỉ vì là một loại vắc xin mRNA khác, chúng tôi không thể cho rằng tất cả các vắc xin mRNA đều giống nhau, vì mỗi loại có một công nghệ hơi khác nhau”, Soumya Swaminathan cho biết, đồng thời nói thêm sự thất bại bất ngờ nhấn mạnh giá trị của các thử nghiệm lâm sàng mạnh mẽ để kiểm tra các sản phẩm mới.