Hà Nội đang chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng thần tốc nhất lịch sử

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:55, 25/06/2021

Hiện Hà Nội đang chuẩn bị một chiến dịch tiêm chủng thần tốc và chưa bao giờ có trong lịch sử, với phương châm nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất.

Không lơ là, nhưng cũng không hoang mang

Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố chiều ngày 25.6, để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

vac-xin.jpg
Hà Nội chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

“Kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống người dân. Tuyệt đối không lơ là chủ quan nhưng cũng không hoang mang lo lắng", ông Dũng nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Hà Nội đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó, chú trọng vào vai trò người đứng đầu và huy động sự đồng thuận của người dân trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, vận động các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch khi được nới lỏng các hoạt động.

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền; tổ "Giám sát và truyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 ngoài cộng đồng" cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân về thông điệp "5k + vắc xin"; vận động người dân hưởng ứng Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19.

Các cấp ngành đơn vị phải ứng trực 24/24/7 sẵn sàng kích hoạt các biện pháp truy vết, khoanh vùng khi có ca bệnh mới, xử lý nhanh nhất các ổ dịch mới phát sinh.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các phòng khám trong và ngoài công lập, thực hiện nghiêm phòng khám an toàn. Tổ chức xét nghiệm cho những người có nguy cơ và người trở về từ vùng dịch; công nhân các nhà máy, xí nghiệp nhất là nơi có các ca dương tính…

Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể trong công tác tiêm vắc xin từ kỹ thuật tiêm, sàng lọc trước tiêm đến thông tin cho người dân về lợi ích của việc tiêm phòng cũng như nhận biết phản ứng sau tiêm chủng.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất tiếp tục có các biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch; tăng cường giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp; các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ khu cách ly tập trung, hạn chế hiện tượng lây chéo.

Sắp có chiến dịch tiêm chủng thần tốc

Về công tác tiêm vắc xin, Phó chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tiêm bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết, từ 0 giờ ngày 26.6, Thành phố cho phép một số hoạt động mở cửa trở lại gồm: Thể dục, thể thao ngoài trời (không quá 20 người trong một khu vực); sân golf, sân tập golf và nhấn mạnh: Khi tiếp tục nới lỏng các hoạt động thì việc kiểm tra, giám sát phải tăng cường; việc đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó cần được nâng cao hơn, tránh mất cảnh giác, lơ là. Các lực lượng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm túc các cơ sở, dịch vụ không thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, những ngày qua Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Điều đó cho thấy phương án, bước đi, cách làm của Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch là hiệu quả. Tuy nhiên nguy cơ từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Dương, TP.HCM hay từ đường hàng không, đường bộ ảnh hưởng tới Hà Nội vẫn rất cao.

Trong tuần qua, Thành phố đã quyết định nới lỏng một số biện pháp giãn cách. Vì vậy công tác chủ động kiểm tra, giám sát phòng chống dịch của chính quyền địa phương càng trở nên quan trọng hơn.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện rất tốt các đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (đợt 1, 2 và 3). Trong phương án, kịch bản luôn chủ động sẵn sàng và đảm bảo giãn cách trong tiêm chủng.
Theo bà Hà, hiện Hà Nội đang chuẩn bị một chiến dịch tiêm chủng thần tốc và chưa bao giờ có trong lịch sử, với phương châm nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất và đảm bảo được yếu tố 5K.

Bà Hà nhấn mạnh, tỷ lệ tiêm chủng là yếu tố quyết định, căn cơ trong phòng chống dịch. Vì vậy, với chiến dịch này ngành y tế rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như sự vào cuộc khoa học của các cấp, các ngành.

Qua khảo sát, dự kiến trên địa bàn Thành phố sẽ có khoảng 860 điểm tiêm chủng, trong đó có 646 điểm tiêm chủng cố định và 214 điểm tiêm chủng lưu động.

Ngành y tế sẽ đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, theo dõi sau tiêm và theo dõi các phản ứng không mong muốn của vắc xin, đồng thời sẽ có hướng dẫn theo dõi sau tiêm tại nhà cho các đối tượng.

Bà Hà nhấn mạnh, để làm được điều này rất cần sự vào cuộc của các lực lượng công an, quân đội, cả hệ thống chính trị trong việc phân luồng, sàng lọc, giãn cách và tránh tụ tập đông người tại các điểm tiêm chủng. Vận động tuyên truyền cho người dân trước, trong và sau tiêm rất quan trọng để người dân hiểu rõ tác dụng của tiêm chủng và người dân đồng thuận.

Đảm bảo an toàn trong thi tốt nghiệp

Trong thời gian tới, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Thành phố cần tập trung bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tiếp tục bảo đảm an toàn bệnh viện, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong các bệnh viện, cơ sở y tế; nâng cao năng lực xét nghiệm và chẩn đoán điều trị.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Phó chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị, địa phương chuẩn bị tốt cho kỳ thi và lưu ý, thời gian tới sẽ có một số trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

Theo đó, ông Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch các địa phương nắm lịch thi của các trường trên địa bàn, yêu cầu các trường có phương án bảo đảm an toàn, đồng thời, phối hợp với với Ban Chỉ đạo địa phương - nơi trường đặt địa điểm thống nhất phương án, báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố.

Phó chủ tịch Chử Xuân Dũng khẳng định, chủ trương của Thành phố là ủng hộ việc tổ chức thi riêng, song, đây là kỳ thi có số lượng học sinh đông, có nhiều học sinh đến từ các tỉnh, thành phố khác, cần có các biện pháp bảo đảm an toàn.

Lam Thanh