Quan hệ Úc - Trung ‘rơi tự do’
Quốc tế - Ngày đăng : 09:30, 27/06/2021
Úc vào ngày 19.6 đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá với rượu vang nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc tuần qua đáp trả bằng đơn khiếu nại Úc áp thuế bánh xe lửa, tua bin gió, bồn rửa thép không gỉ.
Cũng ở tuần này, một ủy ban thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đề xuất đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách di sản thế giới “đang gặp nguy hiểm”. Bộ trưởng Môi trường Úc Sussan Ley lập tức lên tiếng phản đối và nhận định vấn đề bị chính trị hóa, hãng Reuters tiết lộ Canberra nghi ngờ Trung Quốc đứng phía sau tác động.
Đến cuộc họp ngày 22.6 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC), Úc cùng 40 quốc gia khác kêu gọi Trung Quốc cho phép quan chức Liên Hợp Quốc cùng quan sát viên độc lập đến Tân Cương, được tự do xem xét cuộc sống người dân địa phương.
Diễn biến đáng chú ý khác xảy ra đầu tháng: Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) - đơn vị khoa học hàng đầu nước Úc - hủy bỏ chương trình hợp tác nghiên cứu điều kiện khí hậu Nam Đại Dương và Nam Cực cùng Phòng thí nghiệm quốc gia về Khoa học công nghệ hàng hải Thanh Đảo (QNLM). Quyết định được đưa ra sau khi Tổng giám đốc Tổ chức Tình báo an ninh Úc (ASIO) Mike Burgess phát biểu ngụ ý lo ngại chương trình trên giúp ích cho hoạt động tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc.
Các nhà phân tích Úc nhận xét ông Burgess muốn đề cập đến nguy cơ nghiên cứu lưỡng dụng – phát hiện khoa học dân sự nhưng có thể phục vụ cho mục đích quân sự. Một số người phê bình quyết định cắt đứt hợp tác khiến quan hệ song phương trượt dài.
Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ Úc - Trung James Laurenceson nói: “Lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia đã ra tay trước. Họ xác định chúng ta đang đi theo hướng đối đầu lâu dài với Trung Quốc, nên bắt đầu xem nghiên cứu về biến đổi khí hậu như mối đe dọa với an ninh quốc gia. Nếu nghiên cứu loại này cũng bị xem là nghiên cứu lưỡng dụng thì tôi chắc chắn nhiều nghiên cứu khác cũng có thể bị xem như vậy”.
Nhưng lo ngại không phải không có căn cứ. Học giả Anthony Bergi thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc chỉ ra hàng loạt điểm đáng ngờ ở QNLM – chẳng hạn như chuyên phát triển thiết bị khảo sát hải dương học cùng thiết bị vận chuyển dưới nước, điều hành chung vài đơn vị nghiên cứu với Học viện Tàu ngầm hải quân Trung Quốc và công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (nhà sản xuất tàu chiến lớn nhất nước).
“Tôi nghĩ hiểu biết về tình hình biến đổi khí hậu ở Nam Cực đem lại lợi ích cho toàn thế giới. Chúng ta chỉ cần đảm bảo rằng giới tình báo Úc thường xuyên thông tin cho đội ngũ nhà khoa học nghiên cứu Nam Cực về tham vọng của Trung Quốc, mối quan tâm của Trung Quốc tại đây, rủi ro ở những lĩnh vực hợp tác nghiên cứu cụ thể”, học giả Bergi nêu ý kiến.
Trước loạt diễn biến kịch tích tháng qua, quan hệ Úc - Trung đã xấu đi rất nhiều do vấn đề an ninh xoay quanh thiết bị Huawei, điều tra nguồn gốc COVID-19, đánh thuế trả đũa, vi phạm nhân quyền tại Tân Cương…