‘Vắc xin Sputnik V hiệu quả khoảng 90% với biến thể Delta’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:02, 29/06/2021
Loại vắc xin mà Nga đã tích cực tiếp thị ra nước ngoài trước đây được các nhà nghiên cứu phát hiện có hiệu quả gần như 92% với chủng coronavirus mới ban đầu.
Denis Logunov, Phó giám đốc Viện Gamaleya của Moscow, nơi phát triển Sputnik V, cho biết con số hiệu quả khoảng 90% với biến thể Delta được tính toán dựa trên hồ sơ y tế kỹ thuật số và vắc xin, hãng tin RIA đưa tin.
Các nhà chức trách Nga đã đổ lỗi cho sự gia tăng gần đây các ca mắc COVID-19 là do biến thể Delta truyền nhiễm nhanh, mà theo họ là chiếm khoảng 90% tổng số các trường hợp mới và do nhiều người Nga ngại tiêm vắc xin.
Theo Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya, các quốc gia trên toàn cầu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến thể Delta.
Có dân số khoảng 144 triệu người, Nga đã phê duyệt 4 loại vắc xin sản xuất trong nước.
Hiện Nga ghi nhận khoảng 5,5 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch với 134.545 người chết và 4.984.037 trường hợp khỏi bệnh.
Số ca mắc COVID-19 và tử vong ở Nga 24 giờ qua lần lượt là 20.616 và 652.
'Đã tiêm đủ 2 liều Sputnik V dù mắc COVID-19 cũng không lây cho người khác'
Những người được tiêm cả hai liều vắc xin Sputnik V (Nga) sẽ không lây lan coronavirus cho người khác ngay cả khi mắc COVID-19, theo người đứng đầu phòng thí nghiệm cơ chế biến đổi quần thể vi sinh vật gây bệnh thuộc Trung tâm nghiên cứu Gamaleya - nơi phát triển vắc xin này.
"Những người được tiêm cả hai liều vắc xin Sputnik V có nguy cơ mắc bệnh dạng trung bình hoặc nặng thấp hơn 14 lần nếu họ nhiễm bệnh. Trong trường hợp này, những người được tiêm chủng không lây lan coronavirus và do đó không gây nguy hiểm cho người khác", trưởng phòng thí nghiệm Vladimir Guschin giải thích tại một đại hội chăm sóc sức khỏe.Sputnik V của Nga đã được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở 66 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Hôm 28.6, một quan chức y tế cấp cao cho biết cho biết tỷ lệ các ca mắc COVID-19 do biến thể Delta gây ra đã tăng gấp đôi ở Đức trong vòng 1 tuần qua và có khả năng tăng nhiều hơn các biến thể khác.
Lothar Wieler, Chủ tịch cơ quan y tế công cộng Robert Koch Institute, nói với các quan chức trong cuộc họp rằng phân tích trình tự bộ gien, cho thấy biến thể Delta chiếm 36% các ca COVID-19 trong tuần từ 14 đến 20.6, tăng từ 15% ở tuần trước đó.
Do sự lây lan nhanh chóng của biến thể COVID-19 mới hơn và việc phân tích dữ liệu chi tiết chậm, Lothar Wieler ước tính rằng biến thể Delta hiện đã chiếm hơn 50% các trường hợp mắc COVID-19.
Thủ hiến bang Bavaria - Markus Soeder nói với các phóng viên trước đó rằng ông dự kiến Delta sẽ trở thành biến thể thống trị ở Đức vào mùa hè. Các ca mắc COVID-19 do biến thể Delta gây ra cũng đã tăng lên ở một số quốc gia khác.
"Bỏ qua biến thể Delta sẽ là một sai lầm nghiêm trọng", Markus Soeder cảnh báo và nói thêm rằng không ai nên nghĩ rằng các vấn đề liên quan đến biến thể dễ lây nhiễm hơn sẽ biến mất.
Markus Soeder kêu gọi người dân nên tiêm phòng vì điều này sẽ mang lại sự bảo vệ tốt nhất chống lại COVID-19.
Ở Đức, khoảng 54% dân số đã được tiêm mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên và khoảng 35% được tiêm chủng đầy đủ. Các quan chức y tế cho biết sự lây lan dịch có thể chậm lại, số ca mắc bệnh, nhập viện và tử vong do COVID-19 giảm xuống nếu tỷ lệ cao dân số được tiêm chủng.