Ấn Độ có tàu sân bay thứ 2 để đối phó Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 10:49, 02/07/2021
Thử nghiệm trên biển dự kiến bắt đầu trong tháng 7 này. Tàu có thể đi vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2022.
Không giống INS Vikramaditya là tàu sân bay cũ mua từ Nga, INS Vikrant do chính Ấn Độ tự đóng và được giới chức cường quốc Nam Á này xem như “vũ khí trên biển mạnh mẽ khó sánh bằng”. Tàu sẽ mang theo chiến đấu cơ MiG-29K, trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trực thăng đa nhiệm MH-60R, trực thăng Advanced Light.
Nhà phân tích Ben Ho thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S. Rajaratnam (Đại học Nam Dương) nhận xét INS Vikrant đem lại cho Ấn Độ nhiều lựa chọn cho hàng loạt kịch bản, trong đó có kịch bản tái bùng nổ xung đột với Trung Quốc.
“Nhóm tác chiến tàu sân bay lớn tạo điều kiện cho một chiến lược hàng hải vững chắc và tự tin hơn, đáp trả sự xâm nhập của trung Quốc vào “sân sau” Ấn Độ ở Ấn Độ Dương”, theo nhà phân tích Ho.
Học giả Yogesh Joshi thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á (Đại học quốc gia Singapore) cũng đánh giá INS Vikrant là sự bổ sung cần thiết: “Tàu sân bay cho phép Ấn Độ có được quyền kiểm soát nhất định trên Ấn Độ Dương, đóng vai trò như một vũ khí hữu ích phá thế bao vây kinh tế của Trung Quốc trong tình huống khủng hoảng”.
Hai tàu sân bay trấn giữ 2 biển
Ấn Độ thời gian qua tham gia rất nhiều hoạt động tập trận hải quân chung, chẳng hạn tập trận Ấn Độ - Liên minh châu Âu (EU) trên vịnh Aden vào tháng 6, tập trận Varuna với Pháp vào tháng 4, tập trận với Singapore và Thái Lan vào cuối năm 2020.
Trong tháng 6 vừa, hải quân Ấn còn tập trận với Hàn Quốc ngay tại biển Hoa Đông, tập trận với nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan trên Ấn Độ Dương. Sắp tới còn có tập trận thường niên với Anh cùng hàng loạt chuyến thăm một số nước châu Phi, châu Âu.
Đại tá hải quân đã về hưu RS Vasan - nay là giám đốc Trung tâm Chennai chuyên nghiên cứu Trung Quốc - cho biết hoạt động tập trận và giao lưu hải quân gia tăng đòi hỏi Ấn Độ phải sở hữu thêm một tàu sân bay.
Ông cũng chỉ ra một nguyên nhân khác: “Cần ít nhất một tàu sân bay ở mỗi bờ biển, đặc biệt khi Ấn Độ có 2 đối thủ lớn: Trung Quốc ở phía đông và Pakistan ở phía tây”.
Cựu đô đốc K.Mohanan chỉ ra lợi ích về mặt trinh sát mà tàu sân bay mang lại: “Một tàu sân bay cho phép phi công thuộc hải quân hoạt động xa hơn và thực hiện nhiệm vụ trinh sát tàu đối thủ. Phi công hải quân với chuyên môn tốt hơn có thể thực hiện nhiệm vụ tốt hơn phi công không quân”.
Khả năng trinh sát ngày càng trở nên quan trọng khi Trung Quốc tăng cường hiện diện trên Ấn Độ Dương: Vào tháng 12.2019 từng có một tàu nghiên cứu Trung Quốc bị trục xuất khỏi vùng biển Ấn Độ, một tháng sau lại có 4 - 6 tàu Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương, tháng 9.2020 hải quân Ấn phát hiện một tàu Trung Quốc tiến hành hoạt động thu thập dữ liệu nhạy cảm, Trung Quốc đầu tư xây dựng một số cảng dọc bờ biển Ấn Độ Dương tại Kenya và Tanzania.
Cũng theo cựu đô đốc Mohanan, New Delhi nên cân nhắc đóng tàu sân bay thứ 3 nhằm đuổi kịp Trung Quốc về số lượng tàu.
Lợi ích cho Quad
INS Vikrant còn giúp Ấn Độ theo đuổi mục tiêu chiến lược và đối ngoại, chẳng hạn như tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật, Úc - 3 quốc gia cùng New Delhi hợp thành “Bộ tứ kim cương” (Quad) kiềm chế Trung Quốc.
Học giả Joshi nhận định với tàu sân bay mới, Ấn Độ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh Ấn Độ Dương trong tổng thể chiến lược Quad lớn hơn, giúp 3 thành viên còn lại tập trung sức lực cho Biển Đông.
Đại tá Vasan chỉ ra INS Vikrant thể hiện sức mạnh công nghệ mà Ấn Độ sở hữu, chứng tỏ họ là lựa chọn tốt cho những quốc gia Nam Á và Đông Nam Á muốn thoát khỏi tình trạng phụ thuộc trang thiết bị quân sự Trung Quốc.