K-pop là mối đe dọa đối với ông Kim Jong-un
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:17, 03/07/2021
Tờ The New York Times mới đây tiết lộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ trích K-pop là “căn bệnh ung thư hiểm nghèo” truyền bá tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội và làm hỏng giới trẻ. Báo còn dẫn tài liệu rò rỉ nêu rõ ông đang triển khai một chiến dịch “chỉnh đốn” bằng một loạt biện pháp, trong đó có luật cấm xem và sở hữu phim điện ảnh, phim truyền hình, video ca nhạc Hàn, ban hành tháng 12.2020.
Người vi phạm có thể phải chịu án 15 năm lao động khổ sai, thậm chí buôn lậu sản phẩm văn hóa loại này sẽ bị tử hình.
Sự nguy hiểm của nhạc pop
Cây bút phân tích Robert Kelly của kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore) cho biết văn hóa pop, đặc biệt là âm nhạc, xuất xứ từ phương Tây, thường đề cao tự do thể hiện, sáng tạo, không theo lề thói, chủ nghĩa cá nhân, thách thức hàng loạt quan điểm xã hội truyền thống phổ biến… Những điều này trái ngược với một nước Triều Tiên còn rất truyền thống, nặng tính gia trưởng với sự thống trị của nam giới trong gia đình lẫn ngoài xã hội.
Hiện trạng xã hội và chính trị củng cố lẫn nhau, nếu quan hệ quyền lực xã hội truyền thống không bị thách thức thì nhà nước vẫn an toàn. Tuy nhiên khi văn hóa pop làm xáo trộn ổn định xã hội, ổn định chính trị sẽ bị đe dọa.
Theo nhà phân tích Kelly, lo ngại giới trẻ tiếp nhận âm nhạc phương Tây sẽ nổi loạn và thách thức nhà nước là khá viển vông. Nhưng các quốc gia khép kín như Triều Tiên thường nghi ngờ quá mức nên mạnh tay tiến hành “chỉnh đốn”.
K-pop cho thấy Hàn Quốc giàu có, tự do hơn
Nước láng giềng Hàn Quốc giàu có, có sức mạnh quân sự lẫn uy tín quốc tế cao tấn công trực tiếp vào tính chính danh của nhà nước Triều Tiên.
Mối đe dọa an ninh trên ám ảnh giới chức Triều Tiên. Văn hóa pop (K-pop) nổi bật nhất vẽ nên hình ảnh một cuộc sống tự do, cởi mở, sung túc, vui vẻ hơn hiện trạng xã hội còn đầy khó khăn và buồn tẻ ở nước này.
Tuy nhiên, mạng lưới vận chuyển lương thực xuyên biên giới với Trung Quốc góp phần đưa văn hóa phẩm nước ngoài vào Triều Tiên (trong đó có văn hóa phẩm Hàn Quốc). Thế hệ trẻ cũng phần nào biết được cuộc sống ở nước láng giềng thông qua những gì một số công dân đào tẩu chia sẻ trên truyền thông Hàn Quốc. Vì vậy mà chiến dịch “chỉnh đốn” lần này có nguy cơ thất bại như vài chiến dịch trước, theo nhà phân tích Kelly.