Cần khắc phục những điểm yếu trong chuỗi cung ứng đang bộc lộ trong dịch COVID-19

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:06, 03/07/2021

Dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, dẫn đến những thách thức cho doanh nghiệp trong việc ứng phó với sự gián đoạn thị trường.

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu, xây dựng chính sách giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, UNDP đã hỗ trợ xây dựng Báo cáo về chuỗi cung ứng của một số ngành trong bối cảnh COVID-19, trước mắt cho 3 ngành: nông nghiệp, chế biến thực phẩm và ô tô - xe điện.

mpi-2.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Đại diện Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho biết, nghiên cứu nhằm đánh giá lại tác động của dịch COVID-19 lên chuỗi cung ứng của một số ngành tại Việt Nam.

Nghiên cứu được thực hiện theo bốn giai đoạn: Công tác chuẩn bị, thống nhất phương pháp tiếp cận và cách thức thực hiện; Phân tích chiến lược và đánh giá tổng quan chuỗi cung ứng 10 ngành nhằm đánh giá và lựa chọn 3 ngành ưu tiên; Phân tích chuyên sâu chuỗi cung ứng 3 ngành được ưu tiên lựa chọn và khuyến nghị các chính sách hỗ trợ và biện pháp can thiệp cho 03 ngành đã chọn.

Sau khi lựa chọn ba ngành nghiên cứu chuyên sâu là nông nghiệp, chế biến thực phẩm và ô tô - xe điện ở giai đoạn 2, tư vấn đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu, phỏng vấn sâu 50 đối tác gồm các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp để tiến hành phân tích chuỗi cung ứng gồm 5 bước.

Đó là xác định các cấu phần trong chuỗi cung ứng; Phân tích các cấu phần đã xác định; Đánh giá hệ sinh thái kinh doanh tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng; Xác định các vấn đề, cơ hội và thách thức trọng yếu và Khuyến nghị các chính sách hỗ trợ và biện pháp can thiệp phù hợp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, dẫn đến những thách thức cho doanh nghiệp trong việc ứng phó với sự gián đoạn thị trường trong bối cảnh đại dịch.

Các vấn đề nổi cộm bao gồm hệ thống logistics kém phát triển; kênh phân phối chính là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và chợ truyền thống; khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khả năng truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế; năng lực về R&D để tham gia vào các hoạt động mang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng cũng như thay thế hàng hóa nhập khẩu; và năng lực xây dựng thương hiệu.

Các biện pháp can thiệp chính được đề xuất bao gồm: Đối với 2 ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, các đề xuất kiến nghị được chia thành các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Đối với ngành công nghiệp ô tô và xe điện, các đề xuất cho ngành ô tô tập trung vào việc chuyển đổi sang xe điện, và được khuyến nghị thực hiện trong thời gian trung và dài hạn.

Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, đại dịch kéo dài đặt ra câu hỏi về tính thời điểm, sức mạnh của sự phục hồi kinh tế và chính sách cần được xem xét để có thể tiến lên phía trước tốt hơn một cách bền vững về môi trường và xã hội, và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mục đích của nghiên cứu không phải để phát triển một kế hoạch phục hồi chi tiết, cũng như không đưa ra đánh giá toàn diện về vị trí của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện của UNDP cũng cho biết, cùng với Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại học Fulbright Việt Nam, UNDP sẽ sớm khởi động “Viet Nam Economic Pulse” - Nhịp đập kinh tế Việt Nam.

Diễn đàn sẽ được tổ chức 2 lần một năm về các vấn đề và phân tích kinh tế. Diễn đàn đầu tiên sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng này, với chủ đề tài chính cho phát triển bền vững, vốn là yếu tố then chốt trong việc phục hồi và phát triển tốt hơn và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Diễn đàn thứ hai được tổ chức vào tháng 12 tại TP.HCM về chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước để có thể thành công trên thị trường xuất khẩu.

mpi.jpg
Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế. Những nghiên cứu này có thể áp dụng ngay vào chương trình này, bởi vì nghiên cứu nhắc đến sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và cơ hội của Việt Nam khi nhu cầu tăng trở lại, chuỗi cung ứng hình thành và phát triển mạnh mẽ trong thời gian trở lại trong ngắn hạn.

Trong dài hạn, tất cả các ngành kinh tế của Việt Nam đều phải cơ cấu lại. Trước mắt chúng ta không chỉ chống lại sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng mà phải nghĩ đến các kế hoạch phục hồi trong trung và dài hạn.

Hiện nay, Bộ KH-ĐT đang xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh mới 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược sẽ có rất nhiều nội hàm mà Việt Nam sẽ thể hiện bằng cam kết sắp tới ở COP 26, qua mô hình tăng trưởng và hướng phát triển giảm khí phát thải và tăng các chỉ tiêu bảo vệ môi trường cao hơn.

Do vậy, tất cả những đề xuất, kiến nghị của UNDP dành cho Chính phủ cần bám sát vào Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Về những vấn đề cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phải làm rõ quan điểm phát triển nông nghiệp của Việt Nam mà hiện nay đã có, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hiệu quả cao, đặc biệt tập trung vào sản xuất hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng của thế giới.

Ngoài ra, chi phí logictics, đối với toàn bộ nền kinh tế hiện nay chiếm khoảng 17% của GDP, Việt Nam đã có Quyết định số 221/QĐ-TTg, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, chi phí logictics chỉ còn 5-6% GDP.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Lam Thanh