Dịch COVID-19 tại TP.HCM: Không thể buông xuôi để “sống chung với lũ”
Góc bình luận - Ngày đăng : 20:50, 03/07/2021
Đến nay, đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát ở TP.HCM đã kéo dài hơn 1 tháng, kể từ khi xuất hiện những ca mắc đầu tiên ở nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vào ngày 26.5. Từ đó đến nay, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng, từ chục ca lên đến vài chục ca, rồi hàng trăm ca dù TP đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, thậm chí 16 và cả Chỉ thị 10 của UBNDTP cùng nhiều giải pháp siết chặt trong công tác phòng chống dịch.
Hiện TP cũng đã trải qua hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Đây là thời gian thực hiện giãn cách xã hội dài nhất trong các đợt dịch vừa qua ở TP.
Suốt thời gian qua, công tác phòng chống dịch của TP vẫn là thực hiện 5K, khi phát hiện ca mắc COVID-19 thì lập tức điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, ở những đợt dịch trước, phần lớn các trường hợp mắc đều xác định được nguồn lây còn lần này rất nhiều trường hợp mắc không xác định nguồn lây. Nhiều người mắc COVID-19 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng không rõ ràng.
Nếu như ở các đợt dịch trước, trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng lên đến 68% thì lần này những trường hợp không có triệu chứng lên đến 80% - một con số khá bất ngờ đối với những người làm công tác dịch tễ. Hàng trăm trường hợp phát hiện mắc COVID-19 là nhờ họ tự đến bệnh viện khám. Điều này cho thấy các trường hợp F0 đang len lỏi, âm thầm lây lan trong cộng đồng. Đó là chưa kể chủng mới Delta lần này có tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ 2-3 ngày là F0 đã lây cho nhiều người khác. Chính vì thế công tác phòng, chống dịch COVID-19 cứ đuổi bắt, chạy theo sau dịch, không thể nào khống chế được.
Đây chính là lý do ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đề xuất phương án TP phải “sống chung với lũ” trước dịch bệnh COVID-19. Ông Dũng còn cho rằng, những người mắc COVID-19 không triệu chứng, thường bệnh nhẹ, tự hết, không cần phải truy vết, có thể cho “sống chung với lũ”.
Tuy nhiên, ông Dũng quên rằng, chủng mới Delta này không chỉ lây lan nhanh mà còn độc lực khá mạnh, khiến không ít người mắc COVID-19 bị nguy kịch và tử vong. Nếu như ở các đợt dịch trước đây, TP không có trường hợp nào tử vong, thì trong đợt dịch này đến nay đã có 12 trường hợp tử vong và hàng chục bệnh nhân trong tình trạng nặng và nguy kịch.
Vì vậy, nếu chúng ta buông xuôi, chấp nhận “sống chung với lũ” trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 như hiện nay thì tính mạng của người dân sẽ bị đe dọa.
Bên cạnh đó, đến nay số người dân TP được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chỉ khoảng 1 triệu người, chiếm khoảng 1/10 số người cần tiêm, chưa đủ để tạo “cái phao” - miễn dịch trong cộng đồng.
Trong khi nguồn vắc xin ngừa COVID-19 đang là một bài toán khó. Chính ông Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng thừa nhận rằng, việc tiếp cận nguồn vắc xin đang gặp nhiều khó khăn, dù hiện nay TP đã thành lập Tổ công tác mua và sử dụng vắc xin ngừa COVID-19. Thành phố cũng chưa dám khẳng định chắc chắn khi nào có đủ vắc xin ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là người dân chưa có “phao” làm sao họ có thể “sống chung với lũ”? Nếu chúng ta quẳng người dân ra lũ lúc này, chắc chắn họ sẽ bị chết đuối, vì không có một cái phao nào để có thể bơi cứu lấy mình.
Đề xuất này chẳng khác nào một cách gián tiếp thừa nhận TP đang “phất cờ trắng” trước dịch bệnh COVID-19, dễ gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát như hiện nay, điều cần làm là phải trấn an người dân, giúp người dân tin tưởng vào cách phòng chống dịch của TP, chứ không nên tạo tâm lý hoang mang cho người dân sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.