Ngành GD-ĐT tỉnh nghèo chi hơn 3 tỉ đồng để làm cuốn sách 'tự sướng'
Giáo dục - Ngày đăng : 17:26, 18/04/2016
Giữa tháng 4, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT phải kiểm tra và báo cáo ngay việc in sách phung phí, gây xôn xao dư luận.
Hồi tháng 3.2016, dư luận trong tỉnh phản ánh có một người xưng danh là nhà báo tên L.S (đại diện cho Công ty TNHH Truyền thông Sang Lê, ở TP.HCM) đến liên hệ lấy thông tin, hình ảnh để làm kỷ yếu mang tên “Ngành Giáo dục và Đào tạo Bạc Liêu - Chặng đường phát triển trong 20 niên học”.
Nếu lấy tư liệu, hình ảnh để viết bài rồi đăng báo, in sách thì ai phản đối. Đằng này, để được đăng tải bài viết về thành tích và hình ảnh của trường, mỗi trường học phải nộp cho công ty truyền thông Sang Lê từ 12 - 24 triệu đồng.
Có trường, phải tự viết bài để gửi, cứ như báo cáo thành tích, để công ty tập hợp lại rồi in. Riêng các vị hiệu trưởng, để có hình ảnh và bài đăng ở mục chân dung nhà quản lý giỏi thì phải đóng thêm 18 triệu đồng/người…
Sau khi bỏ tiền, bỏ công viết bài để in thành sách, các trường bị buộc phải mua cuốn sách kỷ yếu ấy, ít nhất 2 cuốn/đơn vị, với giá… 1 triệu đồng/cuốn.
Ngay khi dư luận lên tiếng phản đối, ông Hồ Quang Huy, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu lập tức ký công văn khẩn, yêu cầu các Phòng GD-ĐT, các trường… trong tỉnh khẩn trương thông tin để kịp thời ngăn chặn, không để tiếp diễn hành vi “lừa đảo” nói trên.
Sở cũng yêu cầu đồng thời phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc này, nhanh chóng thống kê nội dung và số tiền thiệt hại mà người tự xưng là nhà báo L.S đã gây ra cho đơn vị, số đơn vị trường học “bị” tham gia..., gửi về Sở GD-ĐT giữa tháng 4.
Tuy nhiên, khi sự việc vỡ lở, người của Công ty Sang Lê giải trình, và sự thật rất bất ngờ: trước đó chỉ vài tháng, cũng công ty này đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu hoàn thành cuốn sách “tự sướng” đầu tiên hồi tháng 1.2016!
Cuốn sách trị giá hơn 3 tỉ đồng
Một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu tính toán, trung bình mỗi trường đã mất khoảng 15 triệu đồng để có bài “tự sướng” in trên cuốn sách ấy.
Lật lại cuốn sách, người ta phát hiện có khoảng 180 đơn vị tham gia, do đó, tức đã có hơn 3 tỉ đồng được chi ra để hoàn thiện cuốn sách. Cần kể thêm ít nhất 400 triệu đồng phải bỏ ra để mua sách về trưng trong tủ “tự sướng” tại các trường, vì theo “giao kèo”, mỗi đơn vị, trường học phải mua ít nhất 2 cuốn với giá 1 triệu đồng/cuốn!
Trả lời báo chí, người tên L.S, đại diện Công ty Sang Lê, cho biết từ giữa năm 2015, để thực hiện cuốn kỷ yếu ngành giáo dục Bạc Liêu qua 20 năm học - chân dung nhà quản lý, công ty đã liên hệ với ông Trác Văn Đây, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, và được ông Đây đồng ý phối hợp thực hiện.
Chính ông Đây ký công văn số 661-SGDĐT- VP ngày 26.6.2015 với nội dung được cho là kêu gọi ủng hộ việc phối hợp tuyên truyền với ông L.S, gửi đến các đơn vị trực thuộc trên địa bàn.
Công văn có đoạn chỉ đạo rõ: “Sở GD-ĐT Bạc Liêu phối hợp Công ty TNHH Truyền thông Sang Lê thực hiện ấn phẩm… Sở GD-ĐT đề nghị các đơn vị trực thuộc, các Phòng GD-ĐT tham gia và… chỉ đạo các đơn vị trường học viết bài về quá trình hình thành và phát triển của đơn vị, những thành tích tiêu biểu mà tập thể và cá nhân đạt được…
Đề nghị các Phòng GD-ĐT phát hành ít nhất 3 ấn phẩm nói trên đến các đơn vị trường học”.
Công văn chỉ đạo của Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu
Có công văn này trong tay, người của Công ty Sang Lê thực hiện cuốn sách đi đến đâu thì các Phòng GD-ĐT, trường học… ào ào tham gia đến đấy.
Hiệu trưởng một trường học ở huyện Hòa Bình, than thở: “Từ chối làm sao được, khi có công văn chỉ đạo của Sở”. Sách phát hành dày 600 trang, do chính ông Đây là chủ biên!
Mà tiền đâu các trường bỏ ra làm? Có nơi thì sử dụng tiền tạm ứng ngân sách; có nơi trích từ nguồn kinh phí trích lại từ 40% học phí được để lại cho trường... Chẳng biết khi hay tiền học phí của mình được trường trích lại để có bài viết và hình ảnh “tự sướng” trong cuốn sách nằm gọn trong góc tủ, thay vì lấy tiền đó trang trải chi phí giảng dạy cho học sinh, liệu các em sẽ nghĩ gì về trường?
Theo thông tin chúng tôi có được, đến đầu tuần này, việc tổng hợp “thiệt hại” của các trường cho cuốn sách “tự sướng” đầu tiên vẫn chưa có con số chính xác. Nhưng như đã nói ở trên, chắc chắn hơn 3 tỉ đồng! May mà cuốn sách “tự sướng” thứ 2 trị giá bạc tỉ đã được ngăn chặn kịp thời.
Chính lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, khi vỡ lở chuyện cuốn sách “tự sướng” thứ 2, cũng cho rằng người của công ty Sang Lê đã lợi dụng sự sơ suất trong công tác quản lý của một vài cán bộ Sở GD-ĐT để tiến hành lừa đảo, nhằm trục lợi.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, khó ghép tội công ty này lừa đảo, bởi giá cả giao kèo như thế, muốn “tự sướng” thì chi tiền, không thì thôi. Có trách, thì trách người ban hành công văn chỉ đạo.
Về phía ông Phó giám đốc Sở GD-ĐT đã ký công văn chỉ đạo, những ngày qua cứ chối bai bải, hoặc né tránh những câu chất vấn có liên quan. Nhưng “bút sa gà chết”, công văn ông ký, đóng dấu đỏ chót còn sờ sờ ra đó, các Phòng GD-ĐT, các trường còn lưu giữ…
Ông đã nhẹ dạ cả tin, hay vì quá hào hứng với thành tích của ngành giáo dục nên mới muốn phát hành cuốn sách thứ 1, rồi “sướng” chưa đủ nên muốn “sướng” thêm bằng cuốn thứ 2 chỉ sau 5 tháng?
Chỉ biết rằng các công ty phát hành sách báo thường chi phần trăm cho “người có công”, và chỉ cần 10% huê hồng là “ấm túi”, còn chi phí thì đã có ngân sách và học phí các em học sinh lo hết!
Bạc Liêu là tỉnh nghèo, ngành GD-ĐT còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nhiều trường tham gia cuốn sách “tự sướng” không có kinh phí hoạt động, đời sống cán bộ, giáo viên còn nhiều khó khăn vì ngoài lương ra không có khoản thu nhập nào khác… Nhưng vì có chỉ đạo, nên…
Theo chủ trương của Chính phủ, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh được triển khai thực hiện từ năm 2013, riêng tỉnh Bạc Liêu có 2 huyện được chọn là Hồng Dân và Phước Long. Trong học kỳ 1 năm học 2015 - 2016 vẫn có 593 học sinh được hỗ trợ trên 44.475kg gạo, mức hỗ trợ 15kg gạo/học sinh/tháng.
Trước đó, trong năm học 2014 - 2015, ở 2 địa phương này đã có 1.782 lượt học sinh tiểu học là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ trên 170.310kg gạo…
Ở miền Tây Nam Bộ, không riêng tỉnh Bạc Liêu, mà vừa qua ngành GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cũng đã phối hợp Công ty Truyền thông Sang Lê thực hiện cuốn sách “tự sướng” tương tự.
Thanh Nhã
Chú thích ảnh: Cuốn sách “tự sướng” của ngành giáo dục Bạc Liêu