'Nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 khi TP.HCM tổ chức xét nghiệm cộng đồng'

Sự kiện - Ngày đăng : 19:31, 04/07/2021

Theo PGS.BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, việc lấy mẫu quá tải ở thành phố như hiện nay có thể tăng thêm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

TP.HCM đang bước vào giai đoạn tăng cường xét nghiệm toàn dân. Việc xét nghiệm cho cộng đồng đã được nhắc đến nhiều như một giải pháp cần thiết để phát hiện F0, F1, F2… Thế nhưng, SARS-COV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn và tiếp xúc nên thao tác lấy mẫu nếu không cẩn thận có thể giúp vi rút này phát tán trong không khí, qua đó sẽ tạo nguy hiểm cho những người đến lấy mẫu, ngay cả khi có đảm bảo khoảng cách 2m.

Theo PGS.BS Lê Thị Anh Thư, do áp lực số lượng lấy mẫu quá nhiều trong một thời gian ngắn nên nhân viên lấy mẫu không thể tuân thủ đúng việc thay găng, rửa tay giữa mỗi lần thực hiện và có thể làm lây nhiễm chéo qua đường tiếp xúc cho những người đến lấy mẫu.

Vì thế, PGS.BS Lê Thị Anh Thư đặt câu hỏi cho ngành y TP.HCM: "Liệu việc để phát hiện ra 1 F0 có đổi lại là làm tăng thêm nhiều hay rất nhiều F0 do lấy mẫu tập trung hay không?".

Bà Thư cho rằng việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc phải tuân thủ đúng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản, phải có lịch hẹn từng người, tránh tiếp xúc, tránh tập trung đông người, nhân viên lấy mẫu phải tuân thủ đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu không thực hiện được như vậy thì không nên tổ chức xét nghiệm sàng lọc tập trung đồng loạt.

Một số các quốc gia có điều kiện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng đã đề cập đến tình huống này như theo bảng tham khảo dưới đây:

Tình huống
Khuyến cáo
Trường hợp có triệu chứng nhẹ, không có yếu tố nguy cơ
Xem như là ca nghi ngờ, cách ly tại nhà theo hướng dẫn, không cần xét nghiệm
Trường hợp nghi ngờ, cần nhập viện
Bắt buộc xét nghiệm
Nhân viên y tế không có triệu chứng, có tiếp xúc người bệnh
Bắt buộc xét nghiệm
Nhân viên y tế không có triệu chứng, không rõ có tiếp xúc người bệnh
Nếu đang ở những khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện xét nghiệm
Số lượng ca tăng trong cụm dân cư
Xét nghiệm cụm dân cư có tiếp xúc
Những khu vực đông như trường học, bệnh viện, cơ sở dài hạn
Chỉ cần xét nghiệm những ca đầu tiên. Xem tất cả những ca không triệu chứng khác là nghi ngờ, cách ly.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh vi rút SARS-COV-2 trên địa bàn. Mục đích là tăng cường khả năng phát hiện sớm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, cũng như đẩy nhanh tiến độ hoạt động truy vết các ổ dịch.

Dự kiến thực hiện 150.000 - 200.000 xét nghiệm mỗi ngày (trung bình 6.000 – 8.000 mẫu/ngày/quận, huyện; riêng TP.Thủ Đức trung bình từ 18.000 – 24.000 mẫu/ngày) nhằm tăng cường khả năng phát hiện sớm người mắc COVID-19 trong cộng đồng, cũng như đẩy nhanh tiến độ hoạt động truy vết các ổ dịch.

Về công tác tổ chức xét nghiệm, BS.CK2 Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất một Phó Chủ tịch UBND TP đóng vai trò chỉ đạo chung; Phó giám đốc Sở Y tế đóng vai trò quản lý chung; Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật chịu trách nhiệm cung ứng môi trường lấy mẫu, PPE (trang thiết bị bảo hộ cá nhân), vật tư tiêu hao, điều phối mẫu xét nghiệm về cơ sở xét nghiệm.

Các đơn vị hỗ trợ bao gồm các bệnh viện trên địa bàn TP có nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng. Các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức có nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu cộng đồng; lấy mẫu truy vết, tầm soát cộng đồng, mẫu khu cách ly; vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm, với mẫu F1 trong vòng 2 giờ từ khi lấy mẫu, mẫu khác trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu.

Các cơ sở xét nghiệm khẳng định COVID-19 có nhiệm vụ xét nghiệm cho quận, huyện được phân công phụ trách và theo điều phối của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trả kết quả. Trong đó, mẫu tầm soát cộng đồng trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu; mẫu F1 trả kết quả trong 6 -10 giờ từ khi nhận mẫu; mẫu nghi nhiễm F1 trả kết quả trong 6 -10 giờ kể từ khi nhận mẫu; mẫu F2, người cách ly trả kết quả trong 24 giờ kể từ khi lấy mẫu.

Với mạng lưới giám sát điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp liên quan ca mắc COVID-19, ông Nam đề xuất chia làm 2 nhóm gồm nhóm phục vụ điều tra truy vết và nhóm tầm soát mở rộng.

Trong đó, nhóm hoạt động điều tra truy vết được thành lập với các đội chuyên nghiệp tại địa phương với sự hỗ trợ của các Sở thông tin truyền thông và Công An TP.HCM.

Theo ông Ngô Minh Châu - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc xét nghiệm và truy vết, khoanh vùng cần được tổ chức lại khoa học, nhịp nhàng hơn.

Công tác lấy mẫu xét nghiệm cần xác định phương châm thực hiện trật tự, huy động người dân theo hộ, theo tổ dân phố, áp dụng hình thức lấy mẫu cuốn chiếu kết hợp phân chia theo giờ hợp lý, đảm bảo giãn cách. Đội ngũ lấy mẫu phải chuyên nghiệp, kinh nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế đầy đủ, mẫu lấy phải đạt kết quả.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo các quận, huyện cần bình tĩnh, tập trung giám sát điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp liên quan ca mắc COVID-19. Việc xét nghiệm và truy vết, khoanh vùng cần được tổ chức lại khoa học, nhịp nhàng hơn”, ông Châu nhấn mạnh.

P.V