Cấm SV chia sẻ bài viết dung tục: Bộ Giáo dục lên tiếng
Giáo dục - Ngày đăng : 10:54, 15/04/2016
- Thưa bà, tại sao Bộ GD-ĐT đưa ra 10 việc sinh viên không được làm?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế sinh viên đại học chính quy trong đó có điều 6 quy định những hành vi sinh viên không được làm. Việc này (bỏ quy định) nhằm cụ thể hóa quy định trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cũng như các quy định của pháp luật có liên quan để cho sinh viên thực hiện, đồng thời, chũng tôi cũng căn cứ thực tiễn quản lí học sinh sinh viên để đưa ra quy định này.
- Thưa bà, một trong những quy định này không cho phép sinh viên đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung có tính chất dung tục, bạo lực, đồi trụy và các nội dung khác có liên quan. Theo bà, ta xác định nội dung dung tục như thế nào?
Thực ra, những nội dung thuộc 1 trong 10 hành vi bị cấm của sinh viên đó là cấm sinh viên đăng tải, chia sẻ nội dung dung tục bạo lực, đồi trụy rồi liên quan đến các nội dung chống phá Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân cũng đã được quy định tại Luật Công nghệ thông tin.
Việc phân biệt hành vi dung tục như thế nào sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể và đối chiếu với các quy định hiện hành. Tại các trường, Hội đồng khen thưởng kỉ luật sẽ xác định hành vi này và việc xử lí thuộc thẩm quyền trường.
- Vậy ranh giới giữa sự dung tục và cởi mở trong thời đại mới được xác định ra sao?
Trong xã hội văn minh hiện nay, không chấp nhận hành vi dung tục. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới, trong đó có hội nhập văn hóa. Chúng ta giảm rào cản với các nền văn hóa nhưng không có nghĩa đi ngược lại với văn minh, văn hóa nhân loại cũng như đi ngược lại những nét truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Ở các trường có các Hội đồng kỷ luật, họ có đủ trình độ và năng lực để phân biệt, nhận diện hành vi dung tục để xử lí theo các quy định hiện hành.
- Sau khi Quy chế ban hành, có lo ngại cho rằng ảnh hưởng quyền tự do ngôn luận của sinh viên. Việc này Bộ có xem xét, điều chỉnh gì không?
Sinh viên cũng như mọi công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật.
Việc đưa vào những hành vi cấm đăng tải thông tin như trao đổi trên nhằm thực hiện tốt hơn Luật Công nghệ thông tin cũng như sử dụng tốt hơn môi trường mạng một cách lành mạnh, giúp sinh viên học tập, giải trí vui chơi trong môi trường thật sự an toàn, lành mạnh.
- Thưa bà, Bộ có lường trước được thách thức khi xử lí theo quy định này?
Khi ban hành Thông tư này, Bộ cũng căn cứ vào các quy định pháp luật, tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các cơ sở đào tạo chịu sự chi phối của Thông tư này. Quy định này chỉ mang tính chất khung, nguyên tắc.
Các trường có trách nhiệm cụ thể hóa thành quy định của trường phù hợp quy chế của Bộ và phù hợp với công tác đào tạo của trường để xử lí theo thẩm quyền của nhà trường.
Ở Thông tư này, về cơ bản, những quy định đối với sinh viên trong môi trường học tập cũng tương tự như quy định đã ban hành ở Quyết định 42. Lần này có quy định mới về xử lí, quy định điều cấm sinh viên khi sử dụng mạng Internet.
Để thực hiện điều đó, không chỉ riêng ngành giáo dục mà cần có sự phối hợp với các ngành khác, đặc biệt là ngành quản lí về công nghệ thông tin.
Khi ban hành Thông tư này chúng tôi nghĩ sẽ được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Bộ GD-ĐT với tinh thần rất cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng xã hội cũng như của các cơ sở đào tạo.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu thấy cần thiết, có thể nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Xin cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa!
Theo VietNamNet