Phát triển công nghiệp ICT, công nghệ số đóng góp vào chuyển đổi số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:34, 05/07/2021
Bộ TT-TT đang lấy ý kiến cho Dự thảo Báo cáo nghiên cứu đề xuất Luật Công nghiệp công nghệ số.
Theo Bộ TT-TT, Luật CNTT 2006, Nghị định 71/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã hình thành và tạo hành lang pháp lý phát triển ngành công nghiệp ICT Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành công nghiệp này chưa đạt như kỳ vọng do còn một số bất cập.
Vì vậy, Bộ TT-TT đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ngành công nghiệp này phát triển.
Theo Bộ TT-TT, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được xây dựng dựa trên việc kế thừa những quy định phù hợp của Luật CNTT năm 2006 và đồng bộ với các luật chuyên ngành liên quan.
Đặc biệt, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ phù hợp với những điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia có liên quan đến lĩnh vực công nghiệp ICT, công nghệ số. Giải quyết được những tồn tại, rào cản cho sự phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp công nghệ số.
Ngoài ra, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong thực thi chính sách thúc đẩy phát triển ngành.
Theo Bộ TT-TT, ngành công nghiệp ICT, công nghệ số giúp giải quyết các bài toán của Việt Nam, đóng góp vào chuyển đổi số (xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0; đi từ ứng dụng công nghệ đến làm chủ một số công nghệ lõi, tiến tới đóng góp công nghệ cho thế giới…
Bộ TT-TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung, đề xuất thêm các nhóm chính sách nhằm giải quyết các vấn đề bất cập trong thực tiễn quản lý ngành, lĩnh vực.
Một số chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung như phát triển công nghiệp công nghệ số phù hợp đặc thù với văn hóa; phát triển bền vững một số lĩnh vực, sản phẩm xanh, an toàn với sức khỏe con người; vấn đề sản phẩm công nghệ số qua sử dụng…