Sự bất bình đẳng giữa các nước trong tiêm vắc xin ngừa COVID-19: Việt Nam đang ở đâu?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:40, 05/07/2021
2021 là năm thứ 2 nhiều quốc gia phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt 184 triệu người trên toàn cầu với số người chết hơn 3,99 triệu.
Dịch COVID-19 đã gây ra đợt suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2 và cuộc đại suy thoái; gây ra sự thương vong và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực, dự kiến sẽ khiến các hoạt động kinh tế và thu nhập sẽ ở dưới mức trước dịch bệnh một thời gian dài.
Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ KH-ĐT, chính phủ nhiều quốc gia đã thi hành chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm cố gắng khắc phục những hậu quả thiệt hai do dịch COVID-1 gây ra.
Đến nay, một số chính sách đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Ngoài các chính sách tài khóa, tiền tệ, việc đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc xin COVID-19 đã bắt đầu cho thấy những kết quả ban đầu.
NCIF cho rằng chứng nhận vắc xin đang là cánh cửa giúp các nước Liên minh châu Âu (EU) phục hồi lại hoạt động sau thời gian trầm lắng vì dịch COVID-19. Đến nay, cùng với sự chuyển biến tích cực của chương trình tiêm chủng vắc xin, tốc độ tiêm vắc xin tại EU đã được đẩy nhanh hơn, với nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách.
Một số hoạt động dịch vụ đã được phép mở cửa trở lại, trong đó có dịch vụ nhà hàng, ăn uống với việc khách hàng được tiêm chủng hoặc đảm bảo các biện pháp phòng dịch. EU đã điều chỉnh mạnh dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm 2021 và 2022 (tương ứng 4,2% và 4,4%).
Đến đầu tháng 4, với Cơ chế tiếp nhận toàn cầu (COVAX AMC) của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng, hơn 100 nền kinh tế đã nhận được vắc xin, 61 quốc gia nằm trong nhóm 92 nền kinh tế thu nhập thấp được nhận miễn phí.
Tuy nguồn cung bị suy giảm vào tháng 3, tháng 4 do các nhà sản xuất vắc xin điều chỉnh quy mô và tối ưu hóa quy trình sản xuất trong giai đoạn triển khai ban đầu, cũng như nhu cầu vắc xin COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ, nhưng COVAX Facility kỳ vọng sẽ vận chuyển được vắc xin tới tất cả các nền kinh tế tham gia đã yêu cầu vắc xin trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, NCIF cho rằng việc tiêm vắc xin đang diễn ra khác biệt giữa các quốc gia. Các quốc gia đang chủ động tích cực hướng đến việc hợp tác quốc tế trong cơ chế phân phối vắc xin nhưng sẽ cần thời gian để có thể hoàn thành việc tiêm vắc xin.
Quá trình sản xuất, phân phối vắc xin đang đặt ra nhiều thách thức, chưa đủ nhanh và hiệu quả, đặc biệt với các nước nghèo. Các nước giàu đang có tốc độ tiêm chủng nhanh hơn các nước nghèo, thậm chí gấp 2 đến 3 lần. Trong khi Gibraltar đã đạt tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 mũi đầu tiên cho 100% dân số hay Malta, Seychelle đạt 70% dân.
Một số nước như Canada, Bhutan, Anh đã đạt tỷ lệ tiêm vắc xin trên 60% dân số. Trong khi Mỹ có 70% người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vắc xin tính đến 4.7 thì một số nước có tỷ lệ dưới 1% như Syria, Madagascar, Cộng hoà Trung Phi, Yeman.
Tỷ lệ người dân đã tiêm đủ liều vắc xin ở châu Âu là 25,8% dân số, Bắc Mỹ là 32,87%, trong khi ở châu Á là 8,22%. Trong ASEAN, Singapore có tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin cao nhất là 35,8%, còn Việt Nam là nước duy nhất dưới 1% dân số (0,2% dân số).
Tính đến 30.6.2021, 11,04% dân số đã tiêm đủ liều vắc xin và 12,63% tiêm một mũi. Một số nước có tỷ lệ tiêm đủ hai liều vắc xin cho người dân cao như Mỹ (46,61%), Anh (48,68%), Israel (57,2%).
“Như vậy có thể thấy sự phân hóa rõ rệt khi hầu hết các nước phát triển đang nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng rất cao và đang dần trở lại quỹ đạo kinh tế bình thường trở lại.
Trong khi các nước đang phát triển có tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp, một phần đến từ những khó khăn trong kinh phí triển khai, tâm lý của người dân nhưng trên hết là vắc xin được sản xuất với bản quyền của các nước phát triển và được ưu tiên phân phối trước các nước đang phát triển, nguồn vắc xin khan hiếm”, NCIF nêu.
Trung tâm này cho rằng các nước nghèo cũng như WHO đang kêu gọi các nước giàu có dừng tích trữ vắc xin và tăng nhanh việc đóng góp cho cơ chế COVAX nhưng hiệu quả còn rất hạn chế. Các nước giàu dự kiến có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng bao phủ rộng rãi trong năm nay nhưng nhiều nước nghèo hơn ít nhất phải đến năm 2023, do đó vẫn còn một quãng đường dài để cả thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19.