Hiệu quả vắc xin Pfizer giảm khi 60% dân đã tiêm phòng, Israel tăng ca bệnh vì biến thể Delta

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:32, 06/07/2021

Hôm 6.7, Israel đã báo cáo về việc giảm hiệu quả của vắc xin Pfizer - BioNTech trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và các bệnh có triệu chứng. Thế nhưng, Israel cho biết vắc xin này vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng.

Sự suy giảm đồng thời với sự lây lan rộng của biến thể Delta và chấm dứt của các hạn chế về giãn cách xã hội ở Israel.

Bộ Y tế Israel cho biết hiệu quả của vắc xin Pfizer - BioNTech trong việc ngăn ngừa cả nhiễm trùng và bệnh có triệu chứng đã giảm xuống còn 64% kể từ ngày 6.6. Thế nhưng, vắc xin này có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhập viện và bệnh nặng do COVID-19.

Trong tuyên bố của mình, Bộ Y tế Israel không cho biết mức trước đó là gì hoặc cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào. Tuy nhiên, các quan chức của Bộ Y tế Israel đã công bố báo cáo vào tháng 5 rằng hai liều vắc xin Pfizer cung cấp hơn 95% khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng, nhập viện và bệnh nặng.

Người phát ngôn của Pfizer từ chối bình luận về dữ liệu từ Israel, nhưng trích dẫn một nghiên cứu khác cho thấy các kháng thể được tạo ra bởi vắc xin vẫn có thể vô hiệu hóa tất cả các biến thể được thử nghiệm, bao gồm cả Delta, mặc dù ở mức độ giảm.

hieu-qua-vac-xin-pfizer-giam-khi-60-dan-da-tiem-israel-tang-ca-benh-vi-bien-the-delta.jpg
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 khi Israel thực hiện chương trình tiêm chủng quốc gia

Khoảng 60% trong dân số 9,3 triệu người của Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin Pfizer trong chiến dịch chứng kiến ​​số ca mắc hàng ngày giảm từ hơn 10.000 vào tháng 1.2021 xuống còn một con số vào tháng trước.

Điều này đã thúc đẩy Israel loại bỏ gần như tất cả sự giãn cách xã hội cũng như yêu cầu đeo khẩu trang, dù đeo khẩu trang đã được tái áp dụng một phần trong những ngày gần đây. Trở thành biến thể thống trị toàn cầu của coronavirus, Delta bắt đầu lây lan mạnh ở Israel.

Kể từ đó, các ca mắc COVID-19 hàng ngày đã tăng dần lên, đạt 343 ca vào 4.7. Số bệnh nhân nặng tăng từ 21 người lên 35 người. Nhiều người ở Israel đã tiêm vắc xin vẫn nhiễm biến thể Delta.

Nhà khoa học dữ liệu Eran Segal thuộc Viện Khoa học Weizmann (Israel) cho biết nước này khó có khả năng phải trải qua mức độ nhập viện cao như đã thấy hồi đầu năm vì số bệnh nặng ít hơn nhiều.

Ông Eran Segal cho biết việc "tiếp tục cuộc sống trở lại bình thường và không có giới hạn" là điều hoàn toàn bình thường trong khi đẩy mạnh các biện pháp như tiếp cận tiêm chủng và đảm bảo xét nghiệm cho những người Israel trở về từ nước ngoài.

Hôm 22.6, tân Thủ tướng Israel - Naftali Bennett đã thúc giục người dân tránh các chuyến đi không cần thiết ra nước ngoài. Ông Naftali Bennett lưu ý đợt bùng dịch COVID-19 gần đây ở khu Binyamina của Israel liên quan tới một gia đình từ CH Síp quay về Israel. Thủ tướng Israel ra lệnh buộc phải đeo khẩu trang trong sân bay, khuyến khích người dân áp dụng lại việc đeo khẩu trang trong các không gian kín. Điều đáng chú ý là Israel vừa bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà tuần trước đó.

Đến nay, Israel ghi nhận 843.465 ca mắc COVID-19 với 6.429 người chết và 834.195 trường hợp phục hồi.

Một nghiên cứu của Public Health England (Tổ chức Y tế Cộng đồng Anh) cho thấy vắc xin Pfizer - BioNTech có hiệu quả 88% với bệnh COVID-19 có triệu chứng từ biến thể Delta từ Ấn Độ hai tuần sau tiêm liều thứ hai. Vắc xin này có hiệu quả đến 93% với chủng Alpha, biến thể thống trị của Anh.

Trong khi hai liều vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại bệnh COVID-19 từ biến thể Delta là 60%, so với 66% với biến thể Alpha.

Hàn Quốc nhận 700.000 liều vắc xin Pfizer sắp hết hạn từ Israel

Israel đã đồng ý cung cấp khoảng 700.000 liều vắc xin Pfizer - BioNTech sắp hết hạn cho Hàn Quốc, tờ Haaretz đưa tin, dẫn lời Thủ tướng Naftali Bennett.

Thủ tướng Israel - Naftali Bennett cho biết việc giao 700.000 liều vắc xin này sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7 và là một phần của thỏa thuận. Theo đó, Israel sẽ nhận được vào tháng 9 và tháng 10 số lượng liều vắc xin Pfizer y hệt mà Hàn Quốc đã đặt mua.

Chúng tôi tiếp tục bảo vệ cuộc sống của người dân Israel. Vắc xin có hiệu quả và cứu sống sinh mạng, đó là một thực tế. Chúng tôi đã đồng ý thực hiện một cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi. Hàn Quốc sẽ nhận được vắc xin từ nguồn dự trữ hiện có của chúng tôi và chúng tôi sẽ được hoàn trả từ các đơn đặt hàng trong tương lai của họ", Thủ tướng Bennett nói.

Thỏa thuận này diễn ra vài tuần sau khi chính quyền Palestine từ chối một thỏa thuận tương tự, nói rằng các liều vắc xin đã quá gần ngày hết hạn dù Israel sử dụng cùng lô này để tiêm chủng cho thanh thiếu niên.

Phát ngôn viên của Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết bà không có bình luận gì về báo cáo này.

Hàn Quốc đã nhanh chóng phân phối vắc xin COVID-19 mà nước này có, nhưng đang phải vật lộn để có đủ liều kịp thời trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu eo hẹp, đặc biệt là ở châu Á.

Tuần trước, chính phủ Hàn Quốc cho biết hy vọng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng sớm hơn mục tiêu vào tháng 11tới bằng cách tiêm ít nhất 70% dân số một liều vắc xin, chủ yếu là loại mRNA như Pfizer.

Nhân Hoàng