Biến thể Delta gây khó cho nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng

Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:55, 07/07/2021

Dù có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhưng Wales vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 7-10 ngày. Biến thể Delta của vi rút khiến miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin khó đạt được hơn.

Ngày 25.6, Wales trở thành quốc gia thuộc Vương quốc Anh đầu tiên đạt cột mốc 50% dân số tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19. Số liệu của cơ quan y tế nước này cũng cho thấy đã có 72% dân số (tương đương 2,26 triệu người) tiêm 1 liều – tỷ lệ cao hàng đầu thế giới.

Giáo sư Michael Gravenor thuộc Đại học Swansea giải thích cách thức triển khai chủng ngừa: “Trước hết vận động tiêm 1 liều vắc xin để thiết lập bảo vệ một phần trên quy mô rộng. Thay vì tiêm cho tất cả người trên 70 tuổi, rồi trên 60 tuổi và lo lắng hiệu quả bảo vệ giảm dần ở nhóm dân số thuộc độ tuổi nhất định nào đó, chúng tôi tiếp cận nhóm dân số trẻ hơn từ khá sớm. Gần đây còn có nhiều chiến dịch thuyết phục tiêm chủng cũng như thúc đẩy nhận thức về vắc xin ở giới trẻ”.

Nhưng ngay cả với tỷ lệ chủng ngừa cao như vậy, trong đợt dịch COVID-19 mới nhất Wales vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 7-10 ngày. Biến thể Delta của vi rút khiến miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin khó đạt được hơn.

Miễn dịch cộng đồng là tình trạng dân số có đủ số người đạt khả năng miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc mắc bệnh. Tình trạng này không đồng nghĩa với việc không có ca nhiễm nào nữa, nhưng đảm bảo bệnh truyền nhiễm không bùng phát thành đại dịch như hiện tại.

gettyimages-1300050901.jpeg
Nhiều quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn không thể ngăn đà lây lan của dịch bệnh - Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia dịch tễ thường tính toán ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng dựa trên giá trị R: số người trung bình mà một ca nhiễm có thể truyền vi rút. Chủng vi rút COVID-19 ban đầu có R nằm trong khoảng 2-3.

Một số nhà khoa học ước tính biến thể Delta có R lên đến 7. Tuy nhiên giáo sư Karl Friston thuộc Đại học London (người lập mô hình theo dõi tình hình COVID-19 từ đầu đại dịch) xác định R của biến thể Delta vào thời điểm hiện tại trong năm ở mức 5.

Theo hai giáo sư Gravenor và Friston, giá trị R khoảng 5-7 có nghĩa cần 80-85% dân số được bảo vệ thì mới đạt miễn dịch cộng đồng, thay vì chỉ 60-70% như trước. Như vậy chính sách chưa tiêm chủng cho trẻ em không còn hợp lý.

Miễn dịch cộng đồng còn khá xa

Số liệu chính thức chỉ ra rằng tại Anh, Wales và Bắc Ireland, cứ 10 người thì có 8 người sở hữu kháng thể chống lại vi rút (nhờ tiêm chủng hoặc mắc bệnh trước đó). Nhưng có kháng thể vẫn chưa đủ. Tình hình thực tế cho thấy vi rút vẫn lây lan ở những người đã tiêm 1 liều vắc xin mặc dù rủi ro thấp hơn người chưa tiêm liều nào. Thậm chí Israel đã ghi nhận lượng lớn trường hợp tiêm đủ 2 liều vắc xin của Pfizer nhiễm biến thể Delta.

Không những vậy, một nhóm chuyên gia của Đại học Cambridge phát hiện kháng thể trong máu lấy từ cá nhân tiêm đủ 2 liều vắc xin của AstraZeneca ít nhạy với biến thể Delta so với chủng ban đầu. Phát hiện góp phần lý giải chuyện nhiều nhân viên y tế Ấn Độ tiêm đầy đủ vẫn mắc bệnh.

Dựa vào 2 thông tin trên cùng với sự thật là kháng thể sẽ suy yếu theo thời gian, giáo sư Gravenor kết luận đạt miễn dịch cộng đồng hơi phi thực tế. Nhưng ông nhấn mạnh miễn vi rút không gây bệnh nặng và tỷ lệ nhập viện thấp thì vấn đề vi rút còn lây lan không gây vấn đề lớn. “Căn bệnh có thể biến mất trước khi vi rút biến mất. Đây là hai chuyện khác nhau”, giáo sư Gravenor nói.

vaccine-8.jpg
Việc có kháng thể không đủ để chống lại vi rút - Ảnh: Getty Images

Giới khoa học vẫn cần thêm thời gian để xác định tương quan giữa tỷ lệ tiêm chủng bao nhiêu với mức độ lây lan. Giáo sư Gravenor đánh giá khác biệt giữa các cộng đồng có ảnh hưởng nhất định đến mức độ lây lan, nhìn chung thì quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao khó bùng dịch quy mô lớn ngay cả khi nguồn lây là người nhập cảnh.

“Chúng có thể lây lan trong khu vực nhất định, nhưng giá trị R tổng thể sẽ thấp”, giáo sư Gravenor cho biết.

Cẩm Bình