Trăm năm vẫn nhớ ngày chí sĩ Thái Phiên hy sinh vì nghĩa lớn
Giáo dục - Ngày đăng : 05:41, 17/05/2016
Thái Phiên (1882-1916) quê ở làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Ông chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước Cần Vương, sớm tham gia hoạt động chống Pháp, từng liên lạc với Phan Bội Châu để đưa thanh niên đi du học.
Thái Phiên từng giữ trọng trách trong phong trào Đông Du. Khi phong trào bị đàn áp, Thái Phiên bị Công sứ Quảng Nam là Charles bắt giam ở Hội An vì tội gửi tiền cho Phan Bội Châu ở hải ngoại. Năm 1914, lớp chí sĩ bị giam ở các nhà tù đế quốc được trở về, trong đó có Trần Cao Vân, Lê Ngung, Trương Bá Huy, Lê Bá Trinh… Thái Phiên đã liên lạc với họ và chuẩn bị bước phát triển mới của con đường cứu nước.
Năm 1915, Việt Nam Quang Phục Hội thành lập, Trần Cao Vân và Thái Phiên được cử vào ban lãnh đạo. Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ lấy danh nghĩa vua Duy Tân. Hai ông đã tìm cách tiếp xúc với vua Duy Tân, mời nhà vua tham gia tổ chức cứu nước và được nhà vua tán thành.
Cuộc khởi nghĩa dự định nổ ra ở Huế vào đêm 3.5.1916 nhưng kế hoạch bị bại lộ từ Quảng Ngãi. Do đó, thực dân Pháp đã có lệnh đề phòng, chuẩn bị đối phó. Thêm vào đó, đến giờ chót, lực lượng khởi nghĩa bị một thành viên phản bội, mật báo cho Khâm sứ Pháp. Vì thế, cuộc khởi nghĩa bất thành, vua Duy Tân, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu đều lần lượt sa lưới kẻ thù. Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion. Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu bị chém ở pháp trường An Hòa (gần Huế) vào ngày 17.5.1916.
Sự hy sinh cao cả của các chí sĩ trong phong trào Duy Tân đã thể hiện nghĩa khí kiên cường của các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ và tên tuổi Thái Phiên-Trần Cao Vân đã trở nên bất hủ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Theo Anh Đào/NDĐT